Trà Vinh chuyển đổi hơn 18.235 ha đất mía, vườn tạp và lúa kém hiệu quả ​

Nông dân huyện Châu Thành chuyển đổi từ trồng lúa kém hiểu quả sang trồng dưa chuột. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Nông dân huyện Châu Thành chuyển đổi từ trồng lúa kém hiểu quả sang trồng dưa chuột. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, trong 6 tháng đầu năm, nông dân trong tỉnh tiếp tục chuyển đổi gần 350 ha đất trồng lúa, mía, vườn tạp sang trồng các loại cây màu, nuôi thủy sản... cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần; nâng tổng diện tích đất sản xuất kém hiệu quả của tỉnh được chuyển đổi đến nay hơn 18.235 ha.
 
Trà Vinh chuyển đổi hơn 18.235 ha đất mía, vườn tạp và lúa kém hiệu quả ​ ảnh 1Nông dân huyện Châu Thành chuyển đổi từ trồng lúa kém hiểu quả sang trồng dưa chuột. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất mía, vườn tạp và đất lúa khó sản xuất được nông dân thực hiện đúng qui hoạch, phù hợp với điều kiện đất đai nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hầu hết diện tích đất sản xuất được chuyển đổi được bố trí các cây, con theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh như nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, rau màu, cây ăn trái kết hợp trồng màu để lấy ngắn nuôi dài…cho lợi nhuận thấp nhất từ 60 – 300 triệu đồng/ha/năm.

Điển hình như hộ ông Võ Văn Thủy, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành chuyển đổi 0,3 ha đất trồng lúa sang trồng màu từ năm 2015 đến nay, gia đình ông luôn thu được lợi nhuận tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Mỗi năm, ông Thủy trồng 3 vụ màu với các loại cây màu như ớt chỉ thiên, dưa chuột, mướp đắng hoặc bí đỏ thu lợi nhuận bình quân 25 triệu đồng/vụ, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Thành công lớn trong chuyển đổi cây trồng ở Trà Vinh trong những gần đây là việc chuyển đổi đất trồng cây mía đường ở vùng mía nguyên liệu huyện Trà Cú sang các cây, con khác giúp nông dân không bỏ hoang đất, có thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, đến nay nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi thành công hơn 1.310 ha đất trồng mía sang trồng rau màu các loại cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm và hơn 250 ha nuôi tôm thẻ chân trắng cho thu nhập 300 – 400 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, hiện có một vài hộ nông dân đã chuyển đổi đất mía sang trồng dừa kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc tôm càng xanh để lấy ngắn nuôi dài rất thành công, cho thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/ha/năm và đảm bảo được tính bền vững.

Ông Phạm Minh Truyền đánh giá, việc chuyển đổi sản xuất ngoài nâng cao giá trị về cây trồng vật nuôi so trồng lúa, còn giúp nông dân tiếp cận với phương thức sản xuất khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hàng hóa và sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu người dùng. Trong quá trình vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ nông dân thực hiện hơn 240 mô hình trồng cây ăn trái, trồng rau màu an toàn, nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và 35 mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, vướng mắc trong việc chuyển đổi sản xuất ở tỉnh Trà Vinh hiện nay là đầu ra của hàng hóa nông sản chưa thực sự bền vững, nông sản phần nhiều bán lẻ cho thương lái nên phụ thuộc vào thị trường, nên tình trạng nông dân sản xuất thường gặp cảnh được mùa mất giá, thu nhập không ổn định.

Để tháo gỡ vướng mắc, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các ngành liên quan cần hỗ trợ nông dân sản xuất theo kinh tế hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa, liên doanh, liên kết cùng các doanh nghiệp từ sản xuất đến chế biến, đảm bảo được đầu ra cho hàng hóa nông sản, ổn định nguồn thu nhập cho nông dân.
Phúc Sơn
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm