Hoa màu của nông dân đối diện với nguy cơ thiếu nước tưới tiêu. Ảnh: Thế Anh-TTXVN |
Huyện Trà Cú là địa phương được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung vận động giảm bớt diện tích sản xuất lúa Đông Xuân năm 2019 – 2020 để trồng các loại cây màu phù hợp bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, do phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được tiếp ngọt từ tuyến kênh đầu mối là kênh Trà Ngoa từ huyện Cầu Kè và kênh Thống Nhất từ huyện Tiểu Cần, nên vào mùa khô thường không chủ động được nguồn nước ngọt. Đặc biệt, những năm gần đây ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập sâu vào sông rạch, kênh mương dẫn đến khó khăn lớn cho sản xuất, nhất là sản xuất vụ lúa Đông Xuân hàng năm. Để chủ động ứng phó với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn, theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp tỉnh, huyện Trà Cú đã vận động, khuyến khích nông dân có diện tích đất sản xuất gò cao, không đảm bảo nguồn nước ngọt cho cây lúa chuyển sang trồng màu, sử dụng giếng khoan, áp dụng biện pháp canh tác tưới tiết kiệm nước để đảm bảo nguồn thu nhập khi không trồng lúa Đông Xuân. Cụ thể, vụ lúa Đông Xuân này, toàn huyện chỉ xuống giống gần 10.000 ha, giảm hơn 1.000 ha; tổng diện tích màu được trồng từ đầu mùa khô đến nay hơn 4.000 ha, chiếm 2/3 diện tích cây màu cả năm của huyện. Điều đáng phấn khởi, các loại rau màu ngắn ngày thu hoạch được trồng trên đất lúa vụ Đông Xuân như: dưa chuột, bí đỏ, lạc, ớt, rau xanh,… cho thu nhập 30 – 40 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 2 – 3 lần so với trồng lúa. Ông Sơn Ngọc Thái, ấp Nhuệ Tứ A, xã Hàm Giang, cho biết, ông vừa thu hoạch 0,2ha bí đỏ siêu bông và trái non, với sản lượng 7 tấn trái và 1,2 tấn bông bí, bán với giá bình quân bông và trái 8.000 đồng/kg. Đây là vụ trồng màu đầu tiên thay cho vụ lúa Đông Xuân, gia đình đạt lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Theo Chủ tịch Xã Hàm Giang Lâm Qui, năm nay địa phương là nơi đi đầu trong việc cắt giảm diện tích lúa Đông Xuân chuyển sang trồng màu nhiều nhất huyện và đạt hiệu quả cao. Toàn xã hiện có gần 1.250 ha màu các loại, trong đó có hơn 340 ha đất không trồng lúa chuyển sang trồng màu từ đầu mùa khô. Nhiều diện tích rau màu trên địa bàn xã đã được nông dân thu hoạch để tiếp tục trồng thêm vụ màu khác, đảm bảo tăng nguồn thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất. Theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, vụ lúa Đông Xuân này toàn tỉnh Trà Vinh đã vận động, khuyến cáo nông dân cắt giảm diện tích sản xuất không thuận lợi về nguồn nước ngọt ước khoảng trên 10.000 ha chuyển sang trồng các loại cây khác. Trước tình hình hạn, mặn ngày càng diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ soát lại từng vùng sản xuất lúa, xây dựng phương án, tổ chức mô hình sản xuất cây trồng mới phù hợp để khuyến khích nông dân cắt giảm diện tích trồng lúa vụ Đông Xuân, tránh thiệt hại do hạn, mặn, nhưng đảm bảo nguồn thu nhập cho nông dân.
Phúc Sơn