Để khắc phục tình hình biến đổi khí hậu và hạn mặn đe dọa sản xuất và đời sống, nông dân tỉnh Tiền Giang đã chuyển đất trồng lúa 1 vụ bấp bênh ven biển sang trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong mùa khô 2020, nông dân hai huyện Cai Lậy, Cái Bè đã chuyển đổi khoảng 7.500 ha; trong đó, từ trồng lúa sang trồng rau màu trên diện tích lên đến trên 2.100 ha, chủ yếu theo các mô hình luân canh lúa + màu, chuyên canh màu trên nền đất lúa; chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái tại những địa bàn khó khăn về nguồn nước bơm tát, thường xuyên bị ảnh hưởng hạn, mặn gần 5.400 ha. Theo đó, huyện Cái Bè nằm ở cực Tây tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp đã chuyển sang trồng màu trong vụ Đông Xuân trên 1.200 ha và trên 5.300 ha trồng cây ăn quả đặc sản. Huyện Cai Lậy trồng gần 1.000 ha rau màu và hàng trăm ha cây ăn quả. Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè cho biết, nông dân Cái Bè trồng nhiều loại rau màu cho giá trị kinh tế cao như: bầu, mướp, khổ qua, dưa leo, hành, hẹ, dưa hấu…Ngắn ngày, năng suất cao, tiết kiệm được nguồn nước tưới tiêu và cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn lúa năng suất cao nên cây màu đang được nhiều nông dân lựa chọn đưa vào cơ cấu cây trồng để phát triển sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Ngoài ra, đối với những địa bàn khó khăn, nằm giữa đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận phía Bắc và Quốc lộ 1 ở phía Nam đang được khuyến khích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây ăn quả đặc sản. Từ đầu năm đến nay, khu vực này, nông dân đã chuyển sang trồng cây ăn quả trên diện tích gần 500 ha. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, ông Trần Lý Ngự Bình cho biết, để thuận lợi cho nông dân trong chuyển đổi sản xuất, địa phương đã kiện toàn hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng phục vụ tưới tiêu, phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất. Trong năm 2020, huyện Cai Lậy huy động trên 29,6 tỷ đồng vốn đầu tư cho 67 công trình thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với lộ trình thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn. Huyện Cái Bè cũng huy động trên 56 tỷ đồng, đầu tư thực hiện 167 công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, kiên cố hóa cống đập nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, kiểm soát lũ và triều cường, bảo vệ sản xuất, tạo thuận lợi cho nông dân chuyển đổi sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho những vùng thuần nông trong tương lai. Với mô hình chuyển đổi mới này, chỉ riêng cây màu, từ đầu năm đến nay, các huyện đầu nguồn: Cai Lậy, Cái Bè đã thu hoạch được gần 43.000 tấn rau màu các loại cung ứng thị trường. Theo ngành nông nghiệp, tùy theo giống rau màu, trồng màu mang lại thu nhập cao hơn từ 3 đến 5 lần so với cây lúa năng suất cao. Đây là yếu tố quan trọng giúp nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu .
Minh Trí