An Giang sẽ chuyển trên 34.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái

Tỉnh An Giang sẽ hình thành các vùng chuyên canh, chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Tỉnh An Giang sẽ hình thành các vùng chuyên canh, chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh An Giang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái nhằm mục tiêu, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

An Giang sẽ chuyển trên 34.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái ảnh 1Tỉnh An Giang sẽ hình thành các vùng chuyên canh, chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh : Vũ Sinh - TTXVN

Giai đoạn này, An Giang kỳ vọng sẽ chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, màu, cây ăn trái gần 34.100 ha. Trong số đó, nhóm rau dưa các loại như cây ớt, đậu bắp Nhật, đậu nành rau, bắp thu trái non và rau dưa các loại với hơn 7.000 ha; nhóm cây màu chủ yếu mè, bắp các loại và nhóm cây có củ, cây cao lương... gần 17.800 ha; nhóm cây ăn trái chủ yếu chuối, xoài, mít, nhãn, sầu riêng và cây có múi hơn 14.200 ha.

Đến năm 2030, tỉnh thực hiện chuyển đổi các mô hình rau màu, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên các diện tích có điều kiện hạ tầng thuận lợi cho chuỗi liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời, duy trì và khuyến khích các diện tích cây ăn trái có hiệu quả, tiến đến hình thành ít nhất 2 vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái có liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Cùng đó, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ nông dân nguồn giống chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất, giảm giá thành; hỗ trợ thông tin thị trường giúp nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi; có cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích người sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trọng tâm là công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ sản phẩm rau màu và cây ăn quả.

Theo ông Trần Anh Thư, tỉnh cũng hình thành các mô hình hợp tác xã kiểu mới với sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp tại các địa phương có tiềm năng về liên kết và tiêu thụ sản phẩm để có được sự hỗ trợ về nhân sự, tiềm lực vốn, kỹ thuật sản xuất; thành lập mới các hợp tác xã giúp tạo vùng nguyên liệu ổn định để tổ chức sản xuất theo quy mô và tiêu chuẩn của doanh nghiệp tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị khép kín.

Thời gian tới, An Giang cũng tăng cường mời gọi và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương; tập trung đầu tư công trình tạo nguồn nước, hệ thống tưới và công nghệ phù hợp cho những vùng cây trồng cạn tập trung có hiệu quả kinh tế cao, vùng nguyên liệu của các cơ sở công nghiệp chế biến, vùng cây đặc sản có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

Từ năm 2016 đến nay An Giang chuyển đổi được hơn 31.130 ha đất lúa kém hiệu quả sang rau màu, cây ăn trái, vượt kế hoạch đề ra. An Giang đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều chương trình, đề án lớn, như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu và cây ăn trái, phát triển thủy sản…

Nhờ đó, tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 của ngành nông nghiệp ở mức 2,86%; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân năm 2020 là 192 triệu đồng/ha, tăng 72 triệu đồng so với năm 2015.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, như sản xuất các loại rau ăn lá có lợi nhuận bình quân từ 120-150 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng xoài, bưởi đạt 500-800 triệu đồng/ha sau 3 năm đầu tư. Nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả xuất hiện như nông dân huyện Chợ Mới chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng xoài 3 màu, cát Hòa Lộc, cam, bưởi; nông dân huyện Châu Phú trồng nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa đã được phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao....

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, nhờ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái, bên cạnh các loại cây ăn trái chủ lực như xoài, nhãn, chuối, cây có múi, một số địa phương trên địa bàn An Giang cũng hình thành vùng trồng cây ăn trái tiềm năng sầu riêng, bơ, thanh long…, giúp đa dạng chủng loại cây ăn trái của tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh An Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn, như cây ăn trái ở huyện Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú; rau màu ở huyện Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Long Xuyên, Châu Đốc; lúa nếp ở huyện Phú Tân, Châu Phú… gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm