Sơn La chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mở hướng thoát nghèo

Sơn La chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mở hướng thoát nghèo

Những năm qua, diện mạo nông thôn ở tỉnh vùng cao Sơn La đã có nhiều khởi sắc, tình trạng nghèo đói, lạc hậu từng bước được đẩy lùi và cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể. Đó là kết quả nỗ lực của các cấp, ngành và người dân Sơn La trong việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đa dạng hóa sinh kế.

Sơn La chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mở hướng thoát nghèo ảnh 1Người dân xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trồng na Thái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TTXVN

Gia đình anh Nguyễn Thành Luân ở xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu là một trong những hộ tiên phong trong phát triển cây na Thái. Từ năm 2015, gia đình anh đã chuyển đổi gần 1 ha diện tích đất để trồng trên 400 cây na Thái. Chỉ tính riêng, niên vụ 2021, vườn na của gia đình anh cho thu hoạch với sản lượng đạt trên 16 tấn, mang về nguồn thu hơn 900 triệu đồng.

Anh Nguyễn Thành Luân chia sẻ, gia đình anh ngày trước trồng cây ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao chỉ đủ tiền mua phân bón và giống. Qua tìm hiểu sách, báo, internet và học hỏi một số nhà vườn thấy cây na Thái hợp trên đất đá vôi nên anh đã chuyển đổi sang cây trồng này và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sơn La chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mở hướng thoát nghèo ảnh 2Toàn xã Chiềng Hắc có khoảng 15 hộ trồng na Thái với tổng diện tích 5 ha. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, toàn xã Chiềng Hắc có khoảng 15 hộ trồng na Thái với tổng diện tích 5 ha. Với hiệu quả kinh tế từ cây trồng này mang lại, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng các mô hình cây trồng hiệu quả; trong đó, có na Thái nhằm góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc Vì Văn Biên cho biết, cây na Thái rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và mang lại hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Tới đây, xã sẽ mở rộng diện tích để phát triển cây na Thái tại địa phương.

Nuôi trâu, bò nhốt chuồng hiện nay đã trở thành mô hình áp dụng ở nhiều địa phương trong tỉnh Sơn La và đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình, góp phần đa dạng hóa mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Vài năm trở lại đây, gia đình ông Ngần Văn Quý ở xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai đã triển khai trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng. Theo ông chia sẻ, nuôi bò nhốt nhanh cho thu nhập hơn là thả rông. Nếu trước đây, gia đình ông phải mất 2 năm nuôi bò mới được bán, nay chưa đầy 1 năm bò đã được xuất chuồng.

Sơn La chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mở hướng thoát nghèo ảnh 3Người dân xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La nuôi bò nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: TTXVN

Ông Ngần Văn Quý bộc bạch, nuôi bò nhốt chuồng cần chăm sóc kỹ càng và luôn chủ động đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, nhất là cỏ voi. Hiện nay, gia đình ông chỉ nuôi bò 8 tháng là được bán. Mỗi năm, gia đình ông bán từ 2 đến 3 con bò và mỗi con bò bán được từ 12 đến 13 triệu đồng.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nuôi trâu, bò nhốt chuồng còn khắc phục được tình trạng gia súc chết do thời tiết khắc nghiệt ở vùng cao, nhất là sương muối và rét đậm, rét hại vào mùa đông. Nhận thấy nuôi gia súc nhốt chuồng không bị chết rét nhiều, nên nhiều hộ ở Chiềng Khoang đã làm theo, tạo thành một phong trào lớn, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ hơn 100 hộ nuôi trâu, bò nhốt chuồng, đến nay, xã Chiềng Khoang có trên 1.300 hộ triển khai mô hình này với tổng số trên 3.000 con. Mỗi hộ bình quân nuôi từ 2 con trâu, bò trở lên.

Ông Nguyễn Văn Huy, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Khoang thông tin, bình quân mỗi hộ dân ở đây có 2 đến 3 con bò sinh sản cho thu nhập ổn định từ 30 đến 40 triệu đồng một năm; đặc biệt có hộ thu nhập 70 đến 80 triệu đồng. Đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 29,4% thì đến cuối nhiệm kỳ nhờ hiệu quả của mô hình nuôi gia súc nhốt chuồng và kết hợp với một số mô hình nông nghiệp khác trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống chỉ còn 9,27%.

Cùng với các loại cây ăn quả như mận, xoài, nhãn… mang lại hiệu quả kinh tế cao, sơn tra cũng là cây trồng xóa đói nghèo cho người dân ở vùng cao Sơn La. Cũng như nhiều vùng cao, cây sơn tra ở xã Hang Chú, huyện Bắc Yên vốn mọc tự nhiên. Nhưng những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ quả sơn tra tăng cao đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hang Chú cũng là xã có diện tích cây sơn tra lớn nhất huyện Bắc Yên. Toàn xã hiện có trên 1.163 ha cây sơn tra, sản lượng thu 200 tấn/năm. Nhờ dễ trồng, các nương ngô, khu vực đất trống, đồi núi trọc trước đây ở vùng cao Bắc Yên đã được thay bằng những cánh rừng sơn tra và nó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân các xã vùng cao nơi đây xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Sơn La chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mở hướng thoát nghèo ảnh 4Cây sơn tra xóa đói nghèo cho người dân vùng cao huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Ông Mùa Páo Tủa, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú cho biết, đời sống của người dân Hang Chú đã có nhiều thay đổi nhờ các chính sách như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện ruộng bậc thang, trồng cây thảo quả, cây sa nhân; đặc biệt là cây sơn tra đã mang lại thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Với sự đổi mới toàn diện từ nhận thức, tư duy kinh tế của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc, huyện Bắc Yên đang nỗ lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất nông-lâm nghiệp để từng bước vươn lên thoát nghèo.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên Lê Văn Kỳ cho biết, trong 5 năm qua, địa phương đã trồng mới trên 3.000 ha cây ăn quả các loại. Đặc biệt, sản phẩm cây ăn quả của địa phương đã xuất khẩu ra một số thị trường nước ngoài và đã thành lập được trên 30 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông-lâm nghiệp.

Sơn La chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mở hướng thoát nghèo ảnh 5Cây sơn tra xóa đói nghèo cho người dân vùng cao huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đang là hướng đi mới mở hướng thoát nghèo cho nông dân Sơn La. Đây được xem là bước bứt phá trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết, sản xuất nông nghiệp của địa phương đã có sự chuyển dịch quan trọng, từ thuần nông, quảng canh, tự túc, tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp và khai thác tốt các tiềm năng của địa phương. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để khai thác hết tiềm năng, lợi thế hiện có của địa phương. Đồng thời, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả một số chủ trưởng lớn như trồng cây ăn quả trên đất dốc để thay thế cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả; hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Thay đổi để phát triển những cây trồng, vật nuôi ở Sơn La đang dần theo hướng sản xuất hàng hóa, điều đó không chỉ khẳng định sự thay đổi tư duy trong sản xuất mà hành trình xóa đói, giảm nghèo ở đây đang dần ngắn lại.

Nguyễn Cường – Duy Đông

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm