Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chào mừng IPU-132. Ảnh: TTXVN |
Thưa Ngài Sa-bơ Châu-hu-ry (Saber Chowdhury), Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới,
Thưa các vị Lãnh đạo Nghị viện, các Nghị sỹ,
Thưa các vị khách quý,
Việt Nam rất vinh dự lần đầu tiên sau 36 năm gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) được tín nhiệm đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132 tại Hà Nội. Đây không chỉ là hoạt động đối ngoại đa phương rất có ý nghĩa được tổ chức tại Việt Nam, mà còn là một trong những sự kiện lớn của năm 2015 - năm có nhiều hoạt động kỷ niệm quan trọng, đánh dấu những chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi gửi đến các vị khách quý đại diện 166 thành viên của Nghị viện IPU, 10 thành viên liên kết, các quan sát viên và các tổ chức quốc tế, lời chào, lời chúc mừng nồng nhiệt, tình cảm chân thành, lòng mến khách của Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Tôi hy vọng rằng, những ngày ở Hà Nội, các bạn có dịp tìm hiểu, khám phá truyền thống lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.
Thưa quý vị,
Từ ý tưởng khởi nguồn của các thành viên sáng lập mong muốn xây dựng một thể chế hợp tác liên nghị viện quốc tế, suốt chặng đường lịch sử gần 130 năm qua, IPU đã trở thành diễn đàn nghị viện đa phương quan trọng nhất trên thế giới, có những đóng góp tích cực và to lớn cho hòa bình, hợp tác, phát triển, dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội và các quyền con người. Sự tồn tại, phát triển và ngày càng lớn mạnh của IPU trước mọi biến thiên của lịch sử là minh chứng hùng hồn về vai trò quan trọng của lập pháp và luật pháp trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh.
Tình hình thể giới đang chuyển biến rất nhanh, sâu sắc và khó lường. Trong khi chia sẻ nhận thức chung rằng hòa bình, ổn định là tiền đề quan trọng và nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững, chúng ta vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng bất ổn, xung đột tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, biển đảo; chạy đua vũ trang; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước; các hành động chính trị cường quyền, bất chấp luật pháp quốc tế... đang có chiều hướng gia tăng. Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, Đại hội đồng IPU năm nay đặt ra cho chúng ta trọng trách to lớn là cùng nhau trao đổi, chia sẻ các ý tưởng, và hành động để góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của nhân loại. Một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự Đại hội đồng IPU lần này là “biến lời nói thành hành động" để luật pháp và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được tôn trọng; các thỏa thuận, các quy tắc ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia được thực hiện nghiêm túc; các tranh chấp, bất đồng được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, và các dân tộc đều cỏ quyền bình đẳng.
Nhân dịp này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của IPU cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nỗ lực hết sức mình cùng nhân dân các nước và cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp, các bất đồng giữa các quốc gia, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận giữa các nước trong khu vực, phản đối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.
Thưa quý vị,
Trong 36 năm qua, Việt Nam luôn sát cánh cùng các thành viên IPU nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung về phát triển bền vững, tăng cường dân chủ, bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, quyền của trẻ em và các quyền cơ bản khác. Từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, đi lên từ điểm xuất phát thấp, Việt Nam ngày nay đang từng bước trở thành đối tác phát triển với nền kinh tế năng động, quan hệ đối ngoại rộng mở và là điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư nước ngoài. Các thành tựu quan trọng về tiến bộ xã hội của Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung của “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” đã đạt được rất ấn tượng như: xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, sử dụng nước sạch, phòng trừ dịch bệnh, phòng chống HIV-AIDS và bình đẳng giới đã được Liên họp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Trong thời gian tới, cùng với các thành viên IPU, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững giai đoạn sau 2015 và coi đây là trọng tâm ưu tiên thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” . Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy manh công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ, tăng cường cải cách hành chính, kiện toàn tư pháp, đổi mới lập pháp, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đi đôi với việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội.
Thưa quý vị,
Mọi mong ước sẽ chỉ là xa vời nếu không hành động. Trên tinh thần chủ đề của Đại hội đồng IPU 132, tôi tin tưởng rằng, Hội nghị lần này là Hội nghị của hành động để biến các ý tưởng, những đề xuất thành những kết quả cụ thể và thiết thực, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của lập pháp, của nghị viện trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc có tính toàn cầu.
Tôi cũng tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm cao và sự đóng góp đầy tâm huyết của quý vị, và dưới sự chủ trì của Ngài Chủ tịch Sa-bơ Châu-hu-ry, Đại hội đồng IPU 132 tại Hà Nội sẽ thành công tốt đẹp.
Cuối cùng, tôi chân thành cảm ơn Liên minh Nghị viện Thế giới cũng như nhiều thế hệ các Nghị sĩ quốc tế đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc và ủng hộ quý báu cho nhân dân Việt Nam.
Chúc quý vị, các bạn mạnh khỏe, hạnh phúc và có nhiều niềm vui trong những ngày ở Việt Nam.
Trân trọng cám ơn"./.