Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh Hòa - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bà Louise Chamberlain – Giám đốc UNDP Việt Nam đã tới dự và phát biểu ý kiến.
Quang cảnh buổi toạ đàm. |
Tại buổi tọa đàm, đại diện một số Bộ, ngành, địa phương nêu rõ, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ đều đặt mục tiêu có ít nhất 25% nữ giới tham gia cấp ủy đảng; từ 35 – 40% nữ giới tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; những cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ 30% trở lên nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức nữ tham gia cấp ủy, giữ cương vị quản lý trong chính quyền các cấp còn rất khiêm tốn. Nhiệm kỳ 2011 – 2016, có 24% đại biểu Quốc hội là nữ; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện là 25%, cấp xã là 21%. Tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý nhà nước các cấp: Cấp Bộ trưởng 9%; cấp Thứ trưởng 9,6%; Vụ trưởng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ 9,9%; Phó Vụ trưởng 20,7%. Ở cấp tỉnh: Chủ tịch UBND 1,6%; Phó Chủ tịch 10,4%; Trưởng ngành cấp tỉnh 10,5%. Cấp huyện, phụ nữ giữ các chức danh lãnh đạo quản lý chiếm khoảng 16,87%; cấp xã chiếm khoảng 17,53%. Các con số trên cho thấy chưa có cấp nào sự tham gia của phụ nữ vào vị trí quản lý đạt mục tiêu đề ra.
Tỷ lệ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số tham gia trong cấp ủy, chính quyền các cấp cũng chưa tương xứng với số lượng và những đóng góp của chị em đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện vẫn còn một số dân tộc thiểu số chưa có đại diện trong Quốc hội; gần 20 dân tộc thiểu số chưa có người giữ vị trí quản lý trong cơ quan hành chính.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, công tác cán bộ nữ là một nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác cán bộ nữ hiện đang đối diện với nhiều khó khăn do quy định tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn nam giới 5 năm. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm phụ nữ. Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị không phân biệt độ tuổi tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ nhưng trên thực tế các cơ quan chức năng chưa có văn bản cụ thể hóa quy định này nhằm làm giảm thiệt thòi, tăng cơ hội cho phụ nữ. Bên cạnh đó, công tác phát hiện nguồn cán bộ nữ chưa tốt; tỷ lệ cán bộ nữ được luân chuyển để đào tạo chưa cao cũng đã ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, chọn lựa, giới thiệu phụ nữ tham gia hệ thống chính trị các cấp.
Để thực hiện Luật Bình đẳng giới và các văn bản quy định của Đảng về công tác cán bộ nữ, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2020, bà Bùi Thị Thanh – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các Bộ, ngành xung quanh 4 nội dung: tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của nữ giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tham mưu xây dựng hệ thống chính sách pháp luật với những quy định cụ thể nhằm gia tăng số lượng cán bộ nữ, nữ dân tộc thiểu số, giới thiệu nguồn nhân sự nữ tham gia hệ thống chính trị; đào tạo, nâng cao năng lực trình độ cho cán bộ nữ; giám sát, phản biện xã hội về chính sách đối với cán bộ nữ.
Sự bình đẳng giữa nữ giới và nam giới trong khu vực công và trong chính trị là vấn đề mang tính pháp lý, là biện pháp quan trọng để đảm bảo các nhà hoạch định chính sách đại diện cho những mối quan tâm chung của người dân và hài hòa được tất cả quan điểm. Các ý kiến tại buổi tọa đàm kiến nghị cần thay đổi chính sách về tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ theo hướng kéo dài bằng nam giới để chị em có thời gian cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nên ưu tiên cán bộ nữ, nhất là nữ người dân tộc thiểu số bằng cách quy định tỷ lệ % nhất định tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; gắn công tác đào tạo, quy hoạch với sử dụng cán bộ nữ. Trong điều kiện các tỉnh miền núi, nhiều dân tộc, nguồn và trình độ cán bộ nữ giữa các vùng, miền, dân tộc không đồng đều thì cần chú trọng thực hiện phương châm mở, không khép kín công tác quy hoạch cán bộ theo từng địa phương, cơ quan. Trong bổ nhiệm cán bộ nữ, bên cạnh tiêu chuẩn vị trí chức danh cán bộ cần chú ý có cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc ở những chức danh chủ chốt, những cơ quan, địa bàn có tính chất đặc thù./.