Tết của người Jrai

Tết của người Jrai
Người Jrai  theo nông lịch. Hàng năm, qua mùa khô hanh, khi có hạt mưa đầu tiên rơi xuống, người Jrai coi đó là tháng Giêng. Cơn mưa đầu tiên với người Jrai rất có ý nghĩa. Đồng bào gọi cơn mưa này là lệ rah. Hàng năm, cơn mưa đầu tiên trên rẻo đất Tây Nguyên thường trúng vào tháng tư Dương lịch. Trong 12 tháng theo lịch của đồng bào thì 10 tháng đầu tiên được gọi tên bằng số từ 1 đến 10, còn hai tháng cuối thì có tên riêng lần lượt là tháng Ning Nung  và tháng Wor. Ning Nung là hình tượng con cá dưới nước, con thú trên rừng.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Tháng Ning Nung có thể xem là tháng săn bắt. Wor nghĩa đen của từ này là “quên”. Sau một năm vất vả con người ta cũng cần quên: Quên rìu rựa, quên lo toan đời thường, để ăn chơi, để chăm lo những việc tinh thần. Như vậy tháng tư Dương lịch thường trúng với cái Tết của người Jrai. “Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật” chính là tháng  cuối cùng trong năm, cũng là tháng người Jrai chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Đất trời Tây Nguyên tháng 4, lúc có cơn mưa đầu mùa, trên rừng thì  lá cây đã được gột rửa, dưới đất thì bụi đỏ bazan đã chịu nằm yên, thời tiết khô ráo, mát mẻ. Lúc này mà  tổ chức  các cuộc vui Tết cũng có thể nói là đã hội đủ 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Người Jrai không thống nhất ngày Tết Nguyên đán, mà chỉ thống nhất tháng Tết Nguyên đán là tháng 4. Trong phạm vi tháng 4, ngày Tết tùy theo gia đình, tùy theo làng lựa chọn mà thành. Vì không có ngày đón Tết thống nhất chung cho cả cộng đồng nên người Jrai không quan tâm đến đêm Giao thừa.

Bước vào năm mới, người Jrai không đón Tết Nguyên đán riêng. Đây là nét văn hóa độc đáo. Như trên đã nói, cả tháng Wor (tháng quên) là tháng Tết.  Đón mừng năm mới, các gia đình Jrai thường tổ chức kèm theo một lễ nào đó như: Lih (lễ tạ ơn), lễ Pơ-thi (lễ bỏ mả), Đị tố sang (lễ mừng nhà mới). Gia đình nào không có lễ kèm theo Tết Nguyên đán thì việc tổ chức đón Tết có phần tùng tiệm hơn.



Theo phong tục Jrai, con vật nào định mổ để cầu cúng trong ngày Tết thì cần có sự chăm sóc đặc biệt. Thường thì khi nuôi nó, chủ nhà có làm một lễ nhỏ cầu xin các thần phù hộ cho nó hay ăn chóng lớn. Khi nuôi, nếu không may con vật này chết đi, muốn nuôi  con vật khác để dùng trong ngày Tết thì lại phải cúng nữa. Ngày Tết, người Jrai dùng nhiều rượu. Rượu uống ngày Tết là rượu cần ủ sẵn trong ghè. Có nơi ủ cả năm, nếu là men tự làm bằng nguyên liệu lấy trong rừng thì để càng lâu càng tốt. Tinh bột dùng để nấu rượu là thóc chỉ trật vỏ trấu, còn bắp thì chỉ giã dập chứ không xay nhỏ. Nhờ khéo tay, cơm ráo, men rượu lại tốt nên rượu cần của người Jrai thường rất ngọt. Rượu cần của đồng bào thường không có nồng độ cao, lại dễ uống nên uống được nhiều, nhưng xem chừng đấy, đã say rượu ghè Jrai thì ngất ngây.

Ngày Tết, người Jrai không làm bánh. Đồng bào chỉ dùng cơm và chế biến  thức ăn nhiều hơn ngày thường. Thay vì làm bánh, người Jrai làm rất nhiều cơm lam. Cơm lam được nấu trong ống lồ ô to bằng cán dao.

Thức ăn ngày Tết của người Jrai thường là món thịt nướng, món phèo, món  canh bí nấu với xương trong nồi to. Người Jrai ưa thích món thịt heo luộc thái miếng trộn với thính làm từ bột bắp rang. Món ăn này người Jrai gọi là oái (uaih). Đồng bào thường chọn những con heo béo để chế biến món ăn này. Đồng bào còn ưa thích món ăn có tên là nhăm tơ-pung, gần giống như món cháo. Gạo giã nhỏ như bột trộn với thịt và rau, có nơi không có rau thì lấy xơ mít xé nhỏ rồi nấu nhuyễn. Có thể nói, nón ăn này là món phổ biến nhất của nhiều làng Jrai. Mâm cỗ nào không có món  nhăm tơ-pung này là cảm thấy thiếu thiếu.

Trong tháng Tết, khi một nhà tổ chức ăn uống, chỉ cần được thông báo, không cần biết gia chủ có mời hay không, người nhà khác cứ đến ăn. Khi đến, họ thì mang thức ăn hoặc gạo đến để góp. Ai góp gì, góp bao nhiêu cũng được. Chủ khách chẳng ai so đo tính toán. Tập tính cộng đồng và sự hồn nhiên trong đời sống của người Jrai  là thế. Ăn uống xong, ai ra về cũng  được gia chủ biếu một miếng thịt, dù là rất nhỏ, gọi là có quà cầm tay.  

Trong những ngày Tết, trước khi ăn uống, người Jrai thường mời thầy cúng, nhờ thầy cúng gọi các thần núi, thần sông, thần suối gần đó và gọi tổ tiên về ăn chung. Khi cúng, thầy cúng đặt một ngón tay vào ghè rượu rồi kể lể vân vi. Lúc kết thúc lời cúng, thầy lấy nước trong bát đồng đổ vào ghè rượu. Ai là nhân vật chính trong lễ thì được ưu tiên cầm cần uống trước.

Sau khi đón Tết Nguyên đán, người Jrai bước vào vụ mới. Trước khi lên rẫy, tha pơ-lơi hay tha bôn (già làng) là người tổ chức lễ cúng để cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, con chuột, con chim không đến quấy phá.

Người Jrai cũng như một số dân tộc thiểu số anh em khác có ngày Tết Nguyên đán truyền thống không trùng với Tết của người Việt. Tuy nhiên ngày Tết Nguyên đán của người Việt được đồng bào các dân tộc coi là cái Tết chung của đại gia đình Việt Nam. Và như thế, đồng bào dân tộc thiểu số có hai cái Tết Nguyên đán, hai niềm vui đón Xuân, niềm hạnh phúc của đồng bào như được nhân đôi.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm