Tây Ninh nâng tầm thương hiệu cho đặc sản OCOP

Khách hàng quan tâm đến đặc sản bánh tráng siêu mỏng của Tây Ninh được bán tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op. Ảnh: Minh Phú - TTXVN
Khách hàng quan tâm đến đặc sản bánh tráng siêu mỏng của Tây Ninh được bán tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Tỉnh Tây Ninh ngoài thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, mở rộng thị trường, tăng cường quảng bá thương hiệu đặc sản còn thực hiện liên kết vào các chuỗi cung ứng hàng hóa lớn. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP vào chuỗi tiêu thụ ổn định, mở ra cơ hội lớn cho nhiều đặc sản địa phương nâng tầm thương hiệu, tạo thế đứng vững chắc trên thị trường.

Tây Ninh nâng tầm thương hiệu cho đặc sản OCOP ảnh 1Khách hàng quan tâm đến đặc sản bánh tráng siêu mỏng của Tây Ninh được bán tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Nhiều tiềm năng cho đặc sản OCOP

Ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh đang triển khai thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh đã chủ trì ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ nhằm thúc đẩy hợp tác.

Cụ thể, trong tháng 6/2023, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ sản phẩm với hơn 30 doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh chuyên cung ứng, sản xuất đặc sản; trong đó, chủ lực là các sản phẩm OCOP.

Theo đó, 45 đặc sản địa phương sẽ có mặt tại 800 điểm bán hàng thuộc Saigon Co.op gồm rau rừng, bánh tráng, muối ớt, muối tôm, dế sấy, quả na, dưa lưới, nước mắm chay từ trái điều, cùi bưởi sấy, trà bưởi, rượu bưởi, sâm bố chính, nhang…

Một trong những sản phẩm đặc sản của Tây Ninh dẫn đầu lên kệ tại các siêu thị Co.opmart là bánh tráng siêu mỏng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên, với nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Ông Đặng Khánh Duy - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên (địa chỉ tại xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) cho biết, ngoài các tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa theo quy chuẩn của quốc tế, cũng như trong nước, thì việc được chứng nhận các sản phẩm OCOP đã góp phần rất lớn trong việc tìm đầu ra cho hàng hóa sản phẩm bánh tráng của công ty vào các chuỗi cung ứng.

Cũng theo ông Duy, một trong những điều kiện giúp sản phẩm bánh tráng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên nhanh bao phủ nhanh ra thị trường là nhờ việc công ty chú trọng nâng tầm sản phẩm, đặc biệt ở khâu sản xuất; trong đó, công ty luôn sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín trong sản xuất.

Tây Ninh nâng tầm thương hiệu cho đặc sản OCOP ảnh 2Người tiêu dùng chọn mua các loại nông sản (rau, củ, quả) được trồng tại tỉnh Tây Ninh, phân phối tại hệ thống siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Đến nay, ngoài các đơn hàng xuất khẩu độc quyền cho đối tác ở Hàn Quốc với sản lượng khoảng 9 tấn/tháng thì công ty còn xuất khẩu ra thị trường các nước: Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Australia, Nhật và Thái Lan.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Ý - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hữu Ý (địa chỉ tại xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), nhờ việc ký kết với Saigon Co.op về cung ứng sản phẩm đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nhỏ có cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường lớn. Đây vừa là cơ hội cũng là thách thách lớn buộc doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn và nhu cầu của người tiêu dùng.

Cơ hội lớn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện tỉnh có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ hạng 3 trở lên. Mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh phấn đấu có ít nhất 79 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có ít nhất 14 sản phẩm OCOP đạt 5 sao và có ít nhất 55 cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, với tỷ lệ tối thiểu có 76% các cơ sở, doanh nghiệp OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình OCOP của Tây Ninh giai đoạn 2020 – 2025 ước tính sẽ huy động được trên 140 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 sẽ huy động trên 98 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hướng đến xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Hiện, tỉnh Tây Ninh đang triển khai nhiều chính sách liên kết trong khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuỗi giá trị và kích cầu hàng hóa để giúp nâng tầm thương hiệu sản phẩm cho các đặc sản ở tại địa phương.

Ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, việc kết hợp tác giữa Saigon Co.op và các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã tạo ra cơ sở pháp lý thúc đẩy các hoạt động liên kết chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Qua đó, giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp ở Tây Ninh trong tiếp cận thị trường, đồng thời tạo bước đột phá để Tây Ninh kết nối với Tp. Hồ Chí Minh toàn diện trên tất cả các hoạt động về kinh tế, xã hội, tiến đến xây dựng cơ chế hợp tác toàn diện hơn giữa hai địa phương.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, Tp. Hồ Chí Minh đóng vai trò rất quan trọng trong việc liên kết, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và các địa phương khác. Từ đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam, ông Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh.

Tây Ninh nâng tầm thương hiệu cho đặc sản OCOP ảnh 3Người dân cân nhắc lựa chọn các sản phẩm trứng gà của Tây Ninh vừa được phân phối vào hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phân tích, Tây Ninh đang có nhiều lợi thế lớn để nâng tầm cho các sản phẩm đặc sản địa phương; trong đó, mạng lưới Co.opmart đã được phủ tại tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Tây Ninh. Tổng sản lượng hàng hóa của Tây Ninh cung ứng cho hệ thống Saigon Co.op năm 2022 đạt khoảng 620 tấn/năm, với giá trị gần 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức cũng nhìn nhận, giá trị sản phẩm cung ứng của Tây Ninh vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguyên nhân, do quy mô của các sản phẩm còn tương đối nhỏ lẻ, nên việc cung ứng rộng rãi ra các hệ thống cả nước gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, tính chất hoạt động của các đơn vị sản xuất đặc sản OCOP là mỗi xã một sản phẩm, do vậy việc nhân rộng quy mô là rất khó. Thế nên, việc ký cam kết cung ứng đã mở ra hướng giúp các đơn vị liên kết triển khai đồng bộ các giải pháp, đảm bảo từ cung ứng cho đến tiêu thụ, thông qua các định chế tài chính.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng cam kết đảm bảo chiều sâu về giá cả, nguồn cung và cầu tương đồng ở mọi thời điểm.

Giang Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm