Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh Tây Ninh triển khai từ năm 2018, đến nay toàn tỉnh đã có 49 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP, với 92 sản phẩm. Trong đó 71 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 21 sản phẩm 4 sao và và có 1 sản phẩm 4 sao đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Hiện các cơ sở, hộ kinh doanh vẫn đang từng ngày phát triển và nâng tầm thương hiệu cho các đặc sản địa phương.
Nâng tầm đặc sản địa phương
Tại Tây Ninh, sản phẩm bánh tráng siêu mỏng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) là sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và là sản phẩm duy nhất của tỉnh đang được tỉnh trình đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá 5 sao cấp quốc gia.
Anh Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên cho biết, hiện Công ty đang từng ngày nâng tầm, đưa chiếc bánh tráng mang thương hiệu đặc sản Tây Ninh trở thành một thương hiệu uy tín không chỉ trong nước mà cả thị trường ngoài nước. Cùng với đó, Công ty cũng phát triển thêm nhiều sản phẩm mới về bánh tráng, muối ớt phục vụ cho nhu cầu của thị trường và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (bánh tráng ớt bay muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phô mai, bánh tráng sa tế tỏi, bánh tráng sa tế tôm hành…).
Anh Đặng Khánh Duy cũng cho biết, một trong những điều kiện giúp sản phẩm bánh tráng của Công ty có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước là nhờ việc nâng tầm sản phẩm, đặc biệt ở khâu sản xuất, anh luôn chọn và sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, đạt tiêu chuẩn, đồng thời áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín.
Việc được chứng nhận sản phẩm OCOP đã góp phần rất lớn trong giải quyết đầu ra cho sản phẩm bánh tráng của Công ty. Đến nay, ngoài các đơn hàng xuất khẩu độc quyền cho đối tác ở Hàn Quốc với sản lượng khoảng 9 tấn/tháng, Công ty còn xuất khẩu ra thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Australia, Nhật Bản và Thái Lan.
Ngoài ra, trên nhiều địa phương tỉnh Tây Ninh, các sản phẩm đặc sản được công nhận OCOP 4 sao đang dần định vị được thương hiệu trên thị trường. Trong đó gồm rượu mãng cầu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vương Ngọc Vegan; nước ép mãng cầu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đông dược Vĩnh Xuân; các sản phẩm Nhan Vạn Linh Hương của hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Linh; dưa lưới của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nông sản Hoàng Xuân; trà túi lọc Tâm Lan của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trà Tâm Lan…
Đầu tư công nghệ hiện đại, nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng hướng đến sản xuất đạt chuẩn an toàn, sạch sẽ, đến nay Cơ sở Chế biến kỷ nghệ thực phẩm Phú Gia Bảo tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh của hộ gia đình chị Đoàn Thị Kim Quyên đã có đến 3 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao gồm muối ớt, muối tiêu và chao môn. Hiện hộ kinh doanh của chị Quyên vẫn đang từng ngày tìm cách nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm.
Theo chị Đoàn Thị Kim Quyên, để vực dậy cho sản phẩm muối tôm truyền thống hàng chục năm qua của gia đình, 2 vợ chồng chị Quyên đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hướng tới sản xuất muối tôm đạt chuẩn. Theo chị Quyên, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản phẩm đạt OCOP sẽ giúp sản phẩm nâng tầm, tạo niềm tin lớn đối với người tiêu dùng. Cũng theo chị Quyên, thị trường truyền thống hiện đang dần thu hẹp, do đó, thời gian tới các cơ sở như hộ gia đình mình cần sớm được tiếp cận với các sàn thương mại điện tử.
Trợ lực cho sản phẩm OCOP
Để sản phẩm OCOP vững chỗ đứng, khẳng định niềm tin với người tiêu dùng, trước hết chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, gắn liền với thương hiệu. Vì vậy, tỉnh Tây Ninh chủ trương không chạy theo số lượng mà tập trung chọn sản phẩm nổi bật, đặc thù gắn với điều kiện địa lý, tập quán, nét sinh hoạt của cộng đồng cư dân, đặc biệt là từ lợi thế, thế mạnh từng địa phương. Nhờ đó, kinh tế khu vực nông thôn của người dân thời gian qua không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, sản phẩm OCOP thời gian vừa qua vẫn chưa tạo ra được sự thu hút tham gia của các chủ thể, cũng như chưa có sự hỗ trợ đúng mức dành cho các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng.
Do đó, để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng phát triển sản phẩm OCOP, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024 - 2025.
Theo ông Nguyễn Đình Xuận, việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở thời điểm này là một trợ lực rất cần thiết cho các sản phẩm OCOP được giữ vững, nâng tầm. Kinh phí hỗ trợ dù không đủ lớn nhưng sẽ là chất xúc tác để các cơ sở, hộ kinh doanh hình thành nên các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm địa phương, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 hiệu quả và bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Nghị quyết vừa có hiệu lực này, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có nhu cầu đăng ký mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh sẽ được chi hỗ trợ kinh phí về biển hiệu, quầy kệ trưng bày… với diện tích tối thiểu 20m2 và có ít nhất 50% số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh. Các đơn vị sẽ được hỗ trợ 50% tổng kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 50 triệu đồng/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Các đơn vị đăng ký kinh doanh có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao và còn thời hạn cũng được chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh với mức hỗ trợ 35 triệu đồng/nhãn hiệu/sản phẩm cùng loại. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao cũng được hỗ trợ chi phí thiết kế, in ấn bao bì, tem các sản phẩm OCOP từ 10 đến 30 triệu đồng.
Chị Đoàn Thị Kim Quyên, chủ cơ sở chế biến kỹ nghệ thực phẩm Phú Gia Bảo nhấn mạnh, việc Nghị quyết đi vào cuộc sống chính là sự hỗ trợ lớn cho các sản phẩm OCOP được phát triển theo hướng bền vững hơn trong tương lai. Từ đó, các hộ kinh doanh có thêm những động lực nâng tầm cho mỗi sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Giang Phương