Quảng Trị ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP chủ lực

Giới thiệu chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR Code truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP cho khách hàng. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN
Giới thiệu chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR Code truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP cho khách hàng. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) chủ lực.

vna_potal_so_hoa_gop_phan_nang_tam_gia_tri_san_pham_ocop_tai_ha_nam_7366092.jpg
Giới thiệu chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR Code truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP cho khách hàng. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Đến giữa tháng 5/2024, tỉnh đã có 138 sản phẩm OCOP; trong đó có 43 sản phẩm 4 sao, 95 sản phẩm 3 sao. Số sản phẩm OCOP này của 76 chủ thể; trong đó có 21 hợp tác xã, 9 tổ hợp tác, 22 doanh nghiệp, 24 hộ sản xuất kinh doanh. Định hướng phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh là tập trung làm ra các sản phẩm chủ lực từ cây dược liệu, thủy sản, du lịch.

Trong tổng số sản phẩm OCOP hiện có, sản phẩm chế biến từ cây dược liệu chiếm khoảng hơn 1/3. Dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích khoảng hơn 3.550 ha, tập trung ở các huyện: Hướng Hóa, Ðakrông, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tỉnh có 14 loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển gồm: tràm, nghệ, chè vằng, an xoa, thất diệp nhất chi hoa, giảo cổ lam, sâm cau, sả, dây thìa canh, sâm bố chính, cà gai leo, đảng sâm, quế.

Huyện Cam Lộ đã xây dựng được vùng chuyên canh trồng cây dược liệu với diện tích khoảng 300 ha, theo mô hình liên kết giữa người trồng và doanh nghiệp. Nhiều cây dược liệu có giá trị kinh tế cao đang được mở rộng sản xuất như: an xoa, chè vằng, cà gai leo.

Những cây dược liệu này là nguồn nguyên liệu để chế biến thành các sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Cam Lộ nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung như các loại cao: an xoa, cao chè vằng, cà gai leo. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, từ hiệu quả của cây dược liệu, huyện dành nguồn lực đầu tư mở rộng vùng trồng loại cây này lên 500 ha vào năm 2025; trong đó, chè vằng 100 ha, an xoa 200 ha, cà gai leo 50 ha, tràm năm gần 100 ha... Qua đó tạo vùng nguyên liệu ổn định và có chất lượng cao để sản xuất sản phẩm OCOP phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Đối với sản phẩm chủ lực về thủy sản, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm làm nước mắm truyền thống; tôm, cá chế biến sẵn. Đối với sản phẩm du lịch, tập trung vào mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương tích cực hỗ trợ cá nhân, tổ chức phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá kết nối thị trường tiêu thụ và tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP. Phát triển sản phẩm OCOP có trọng tâm trọng điểm, thực hiện nghiêm túc đúng quy định việc đánh giá công nhận sản phẩm; không chạy theo thành tích về số lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm