Cần Thơ nỗ lực nâng chất lượng sản phẩm OCOP

Hiện Cần Thơ có 148 sản phẩm của 74 chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh) được công nhận OCOP đạt 3 - 4 sao; trong đó có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Địa phương dẫn đầu về sản phẩm OCOP là quận Thốt Nốt. Cần Thơ đặt mục tiêu năm 2024 phát triển thêm 20 sản phẩm OCOP 3 sao, 10 sản phẩm OCOP 4 sao và phấn đấu 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao.

vna_potal_can_tho_tang_san_luong_san_pham_ocop_dip_tet_7189518.jpg
Khách hàng tìm hiểu về sản phẩm OCOP của tỉnh Cần Thơ. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); trong đó, phân quyền cho các quận, huyện đánh giá, xếp hạng và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao thì lượng sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ tăng nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tính - Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Cần Thơ, chỉ riêng năm 2023, ở các quận, huyện công nhận 45 sản phẩm OCOP 3 sao; trong khi Đề án Mỗi xã một sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2030 chỉ có 40 sản phẩm OCOP được cấp quận, huyện công nhận.

Ông Lê Văn Tính cho rằng, các quận, huyện khi xem xét, đánh giá, xếp loại sản phẩm đã "nhẹ tay" với một số sản phẩm để địa phương đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (trong xây dựng nông thôn mới). Vì thế, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chất lượng sản phẩm vẫn chưa thật sự đạt yêu cầu. Ngoài ra, chủ thể sản phẩm OCOP chưa chủ động đổi mới sản phẩm, đa số chủ thể chỉ dừng lại ở kết quả sản phẩm được công nhận OCOP, trong khi đó, quản lý sản phẩm sau khi được công nhận chưa được sâu sát, thường xuyên.

Hiện nay, trong 148 sản phẩm OCOP của 74 doanh nghiệp ở Cần Thơ chỉ có 5 - 6 doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại thường xuyên. Còn lại do quy mô còn nhỏ và sản phẩm chưa đạt chất lượng cao nên các chủ thể không "mặn mà" với tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm. Toàn thành phố Cần Thơ chỉ có khoảng 10 cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP; trong đó nhiều nhất là địa bàn quận Ninh Kiều (6 cửa hàng).

Trước những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chỉ đạo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố phối hợp các địa phương, sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ từ thành phố đến quận, huyện Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, rà soát, ban hành nội dung, mức hỗ trợ Chương trình OCOP theo từng hạng sao; ưu tiên hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ sản phẩm. Hỗ trợ các chủ thể đăng ký sở hữu trí tuệ, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, xây dựng câu chuyện sản phẩm, hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại, thương mại điện tử...

Để sản phẩm OCOP thật sự chất lượng khi được xếp hạng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP và chất lượng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP từ thành phố đến địa phương; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Hè cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm để doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có thể so sánh lợi thế cạnh tranh về sản phẩm của mình đối với sản phẩm cùng loại tại những địa phương khác trong và ngoài thành phố.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt các hợp tác xã luôn tìm tòi, đổi mới sáng tạo các sản phẩm OCOP. Khi sản phẩm được chứng nhận OCOP sẽ được Văn phòng Điều phối nông thôn mới đưa lên hệ thống OCOP quốc gia; tất cả sản phẩm đều có giá trị khoa học (được cấp mã số vùng trồng, có mã vạch, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận an toàn thực phẩm.

Kết quả nổi bật của Chương trình OCOP là giải quyết việc làm cho lao động cho địa phương "li nông chứ không li hương", tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn ngay tại chính nơi cư trú chứ không phải "bỏ xứ" đi nơi khác lao động, làm việc.

Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm