Kinh nghiệm nâng sao cho sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định

Những năm qua, tỉnh Nam Định đã khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đặc trưng của địa phương, mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động...

vna_potal_kinh_nghiem_nang_sao_cho_san_pham_ocop_tai_nam_dinh_7265267.jpg
Du khách tham quan nhà của nghệ nhân kèn đồng Nguyễn Văn Cường, hộ dân liên kết xây dựng sản phẩm Ecohost Hải Hậu. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Với kinh nghiệm 20 năm làm trong lĩnh vực du lịch, bà Bùi Thị Nhàn đã mạnh dạn xây dựng và triển khai mô hình du lịch Ecohost Hải Hậu, trở thành sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách đến với Nam Định. Năm 2012, bà Nhàn thành lập doanh nghiệp lữ hành Ecosea với hoạt động chính là đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Năm 2014, Ecosea triển khai mô hình lưu trú (homestay) tại huyện Giao Thủy.

Từ thực tế hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bà Nhàn nhận thấy, Nam Định vốn là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, với những phong tục tập quán văn hóa mang đặc trưng của văn minh lúa nước sông Hồng, là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch. Năm 2018, bà Nhàn thành lập Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư Ecohost, thực hiện ý tưởng định vị mô hình du lịch cộng đồng chất lượng cao. Du khách không chỉ tham quan, khám phá những điểm nổi bật quanh khu vực họ lưu trú, mà có thể cùng gia đình người dân chế biến, thưởng thức những món ăn ngon của địa phương. Cùng đó, những đặc sắc về văn hóa được tái hiện, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Để thu hút du khách, công ty đã xây dựng bộ sản phẩm tour du lịch khám phá Nam Định bao gồm 5 sản phẩm: Lạc bước giữa trời Âu; Đường về xứ đạo; Ngỡ ngàng Nam Định; Con đường di sản Nam Định và Xích lô thành phố Nam Định. Với 5 tour du lịch này, du khách sẽ được tham quan các nhà thờ, đền chùa nổi tiếng, các điểm di tích lịch sử, du lịch sinh thái cùng việc thưởng thức các món ăn đặc trưng của Nam Định.

Thông qua các sản phẩm du lịch, Ecohost đã thu hút ngày một đông du khách, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và cộng đồng tham gia vào mô hình này. Hiện Ecohost Hải Hậu đang liên kết với 10 hộ dân ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu thực hiện mô hình du lịch cộng đồng; trung bình, doanh thu mỗi hộ đạt từ 20 - 40 triệu đồng/tháng. Năm 2023, Ecohost Hải Hậu là sản phẩm duy nhất được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định đánh giá đạt trên 90 điểm, đủ điều kiện để trình Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm 5 sao.

Cùng đó, nước mắm Ninh Cơ là một sản phẩm truyền thống lâu đời của huyện Hải Hậu. Để tạo nên thương hiệu được khách hàng biết đến, công ty đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu nâng cao chất lượng cho sản phẩm này. Với 20 năm gắn bó với nghề, bà Trần Thị Thanh Mai - Giám đốc công ty hiểu rõ nhất điều làm nên sự khác biệt của nước mắm Ninh Cơ với các dòng nước mắm truyền thống khác.

Bà Mai cho biết, công ty có vị trí nằm gần cảng cá Thịnh Long thuận tiện cho việc thu mua nguyên liệu đầu vào như cá cơm, cá nục, cá trích nhanh chóng, đảm bảo tính tươi ngon. Nguồn nguyên liệu tươi kết hợp với muối biển Hải Hậu cũng tạo nên vị riêng của sản phẩm. Quá trình sản xuất nước mắm Ninh Cơ tuân thủ theo phương pháp truyền thống. Song song với phương pháp này, công ty đã kết hợp thêm phương pháp gài nén, đảo cá cùng muối sạch. Sau 15 - 18 tháng ủ chượp, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất khép kín, nước mắm được rút cốt, lọc tinh trở nên thơm ngon, trong suốt, phù hợp với thị hiếu và khẩu vị của người tiêu dùng.

vna_potal_hieu_qua_trong_phat_trien_san_pham_ocop_tai_nam_dinh_7265263.jpg
Công ty Cổ phần Chế biến Hải sản Nam Định, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu hiện có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là nước mắm Ninh Cơ, mắm tôm Ninh Cơ và sứa ăn liền Ninh Cơ. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Với hơn 400 bể chượp nước mắm, mắm tôm, mỗi năm Công ty cổ phần Chế biến hải sản Nam Định sản xuất khoảng 900.000 lít nước mắm, 150 tấn mắm tôm cùng các loại sứa ăn liền… đạt doanh thu 7 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với mức lương trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện công ty có 3 sản phẩm là nước mắm nguyên chất Ninh Cơ, mắm tôm Ninh Cơ và sứa ăn liền Ninh Cơ đều được UBND tỉnh Nam Định công nhận, nâng hạng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.

Để nâng hạng cho sản phẩm, ngoài việc chú trọng nguyên liệu đầu vào, công ty luôn tuân thủ nguyên tắc sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được kiểm soát kỹ chất lượng, đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quy trình sản xuất và được chứng nhận HACCP (Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn).

Ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu cho biết, huyện chủ trương phát triển sản phẩm OCOP có sức hút với thị trường đồng thời khuyến khích các chủ thể đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, khoa học công nghệ nâng hạng cho sản phẩm OCOP.

Huyện khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP từ các làng nghề và đặc sản truyền thống; hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, ổn định tại địa phương theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, gắn với duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường…

Tính đến hết năm 2023, Nam Định đã xây dựng và phát triển được trên 430 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 55 sản phẩm OCOP 4 sao. Nam Định phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 5 sản phẩm OCOP 5 sao; ít nhất 70% số xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Nguyễn Lành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm