Nâng chất sản phẩm OCOP thương hiệu Thái Bình

Để nâng tầm sản phẩm OCOP mang thương hiệu Thái Bình, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP đã được công nhận, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.

vna_potal_dam_da_huong_vi_mam_cay_hong_tien_thai_binh_6887168.jpg
Năm 2020 mắm cáy Hồng Tiến được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Với phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”, không chạy theo số lượng, tỉnh Thái Bình thực hiện phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị gắn với phát triển cộng đồng. Tính đến tháng 11/2023 toàn tỉnh có 138 sản phẩm OCOP được xếp hạng với sản phẩm đa dạng từ nông nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp; trong đó, có 48 sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao, 90 sản phẩm OCOP 3 sao với tổng số 91 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP; trong đó, có 32 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã và 23 hộ kinh doanh.

vna_potal_phat_trien_thuong_hieu_lua_gao_thai_binh_tro_thanh_thuong_hieu_“gao”_quoc_gia_6812245.jpg
Công ty TNHH Hưng Cúc ở thị trấn Đông Hưng chế biến khoảng hơn 30.000 tấn gạo thành phẩm, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Năm 2024 tỉnh phấn đấu có trên 80% số sản phẩm đăng ký tham gia OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, lựa chọn 1 sản phẩm đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; đồng thời duy trì, củng cố, nâng cấp 50% sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển 60-70 tổ chức kinh tế (gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) và hộ sản xuất để mở rộng quy mô sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử... Có từ 1-2 làng nghề có cơ sở sản xuất sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt OCOP hạng 3 sao trở lên, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề của địa phương.

vna_potal_phat_trien_thuong_hieu_lua_gao_thai_binh_tro_thanh_thuong_hieu_“gao”_quoc_gia_6812251.jpg
Năm 2022, gạo TBR39 của Thái Bình đã giành Giải Nhất cuộc thi gạo ngon Việt Nam, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu của địa phương đạt hơn 40.000 tấn và có từ 1 đến 3 sản phẩm đạt thương hiệu “Gạo” quốc gia. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố hướng dẫn UBND cấp xã rà soát các sản phẩm tiềm năng, từ đó đánh giá, lựa chọn, đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại thực địa, thường xuyên và liên tục đối với các chủ thể sản xuất để triển khai phương án sản xuất kinh doanh.

Đối với các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm, tập trung đổi mới và cải tiến công nghệ, quy trình kỹ thuật, mở rộng vùng nguyên liệu địa phương, quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Đặc biệt, tỉnh Thái Bình tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Chương trình OCOP như xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, hướng đến kết nối liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu chương trình OCOP. Phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, nhất là các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

vna_potal_dam_da_huong_vi_mam_cay_hong_tien_thai_binh_6887172.jpg
Sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

UBND tỉnh Thái Bình giao Sở Công Thương hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP đăng ký, tham gia giới thiệu, phân phối sản phẩm OCOP tại các hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, các chợ; kết nối, hỗ trợ chủ thể bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Postmart, Voso… nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn và triển khai hỗ trợ các điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP. Đây cũng đang là điểm hạn chế trong công tác giới thiệu, mở rộng thị trường của Thái Bình khi chỉ có rất ít điểm bán sản phẩm OCOP đáp ứng được tiêu chí theo Quyết định số 950/QĐ-BCT ngày 18/4/2023 của Bộ Công Thương quy định về Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023 – 2025.

Thu Hoài

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm