Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm 20 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, đồng thời kiểm tra, hỗ trợ, đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực công nhận và nâng hạng các sản phẩm OCOP có tiềm năng; trong đó, phấn đấu có 2 sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia chấm điểm 5 sao cấp quốc gia.
Với phương châm phát triển chương trình OCOP theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững, Bình Thuận ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, tìm kiếm vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, tỉnh quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO…; đồng thời hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, để đưa sản phẩm OCOP tới gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh phấn đấu củng cố, nâng cấp một điểm bán hàng OCOP hiện có và phấn đấu hỗ trợ thêm 2 điểm/trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện.
Song song với đó, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn đẩy mạnh liên kết đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử như: sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận- Ninh Thuận- Lâm Đồng; sàn hợp nhất sanviet.vn; các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Postmart...
Đặc biệt, Bình Thuận hướng tới phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP thông qua việc tổ chức các lễ hội quảng bá, xúc tiến sản phẩm chương trình OCOP của tỉnh; đưa sản phẩm OCOP tiêu biểu tham gia các sự kiện, triển lãm, xúc tiến toàn quốc và thị trường khách du lịch trọng điểm; quảng bá truyền thông các sản phẩm OCOP...
Bình Thuận là địa phương có nhiều sản phẩm đặc sắc gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. Thực hiện Chương trình OCOP, Bình Thuận tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ mang tính cộng đồng, sản phẩm chế biến sâu, chủ lực có lợi thế ở các địa phương. Sau 4 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 128 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (bao gồm 94 sản phẩm 3 sao, 32 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Trong đó nổi bật là những sản phẩm chế biến từ thủy sản (nước mắm truyền thống, các loại hải đặc sản), thanh long (sấy khô - dẻo, mứt, rượu - nước giải khát...) hoặc sản phẩm từ tổ yến và đa dạng sản phẩm từ nông sản khác...
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận đã đạt được những dấu ấn tích cực; trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hồng Hiếu