Chủ thể gặp khó khi đăng ký công nhận lại sản phẩm OCOP ở Nghệ An

Sau 5 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện nay trên địa bàn Nghệ An có nhiều sản phẩm đã hết hạn công nhận hạng sao và phải đăng ký lại. Bởi, theo quy định, giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, nhiều chủ thể, hợp tác xã lại gặp khó khi đăng ký công nhận lại.

vna_potal_nghe_an_can_kiem_soat_chat_luong_san_pham_ocop_7375210.jpg
Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đã làm hồ sơ thủ tục xin cấp lại nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Chậm đăng ký công nhận lại hạng sao

Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác có 11 sản phẩm đạt OCOP; trong đó, giấy chứng nhận của 3 sản phẩm trà tâm sen, hạt sen sấy, trà ướp (4 sao) đã hết thời hạn từ năm 2023 và đơn vị này đã làm hồ sơ thủ tục xin cấp lại nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt.

Anh Phạm Kim Tiến – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác lý giải: do bộ tiêu chí mới công nhận sản phẩm OCOP có nhiều thay đổi, yêu cầu cao và mất nhiều thời gian để làm hồ sơ, khiến nhiều chủ thể gặp khó khi đăng ký công nhận lại.

"Trung bình 3 năm mỗi sản phẩm phải đăng ký công nhận lại, điều này cũng có nghĩa năm nào hợp tác xã cũng phải làm thủ tục gia hạn lại cho sản phẩm. Nên chăng các cơ quan chức năng cần có quy định, cơ chế gia hạn một lần đối với các sản phẩm của cùng một chủ thể OCOP, tạo điều kiện về mặt thủ tục cho doanh nghiệp đỡ vất vả", anh Tiến kiến nghị.

Không riêng gì các sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác mà hiện nay có nhiều sản phẩm OCOP đã quá thời hạn 36 tháng nhưng các chủ thể vẫn chưa đăng ký lại. Công ty cổ phần Biển Quỳnh, Thị xã Hoàng Mai có hơn 10 sản phẩm đạt OCOP nhưng đến nay có 8 sản phẩm hết hạn giấy chứng nhận nhưng vẫn chưa đăng ký lại.

Anh Hồ Mạnh Hoàn – Giám đốc Công ty cổ phần Biển Quỳnh cho biết: Công ty đang chuẩn bị các thủ tục giấy tờ liên quan, hồ sơ tài liệu sản phẩm để đăng ký lại. Công ty cũng sẽ chủ động gỡ chứng nhận hạng sao OCOP ra khỏi sản phẩm khi xuất ra thị trường.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn, huyện Kỳ Sơn có sản phẩm gừng Kỳ Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đến năm 2024 này là đến hạn phải đăng ký lại. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay đầu ra khó khăn nên diện tích gừng bị thu hẹp. Điều này khiến Hợp tác xã không có đủ nguồn lực để làm hồ sơ chứng nhận lại.

Đại diện Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn nói thêm, khi muốn chứng nhận lại, hợp tác xã cũng phải nâng cao chất lượng sản xuất, phát triển hoặc nâng cấp được sản phẩm mới và đi liền với đó là các khâu thủ tục hồ sơ cũng khá vất vả.

Qua ghi nhận thực tế ở các chủ thể và so sánh với Bộ tiêu chí đánh giá trước đây, phần lớn những khó khăn, vướng mắc ở quy mô sản xuất và điều kiện về chứng nhận sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, các chủ thể phải có năng lực, quy mô sản xuất trung bình trở lên. Trong khi bộ tiêu chí chưa quy định quy mô thế nào là nhỏ, trung bình hoặc lớn. Về điều kiện chứng nhận sở hữu trí tuệ quy định, sản phẩm 4 sao phải có giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ, trong khi thủ tục để được cấp rất lâu.

Sau 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, hiện nay Nghệ An có 560 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP đã và đang đạt hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị hàng hóa. Tuy nhiên sau gần 5 năm triển khai, tỉnh có 53 sản phẩm chứng nhận OCOP đã hết hạn.

vna_potal_nghe_an_can_kiem_soat_chat_luong_san_pham_ocop_145031176_7375224.jpg
Sản phẩm trà tâm sen của Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đã hết hạn công nhận hạng sao. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm

Nghệ An đang thực hiện đánh giá các sản phẩm theo bộ tiêu chí tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Do bộ tiêu chí có khá nhiều nội dung mới so với bộ tiêu chí trước đây nên các địa phương cũng không dễ trong hướng dẫn các chủ thể làm hồ sơ, dẫn đến việc đánh giá, phân hạng sản phẩm của nhiều hợp tác xã, chủ thể trễ so với thời gian quy định.

Đặc biệt, để nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao theo bộ tiêu chí mới, hợp tác xã, chủ thể, doanh nghiệp phải đầu tư, cải tiến dây chuyền, quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như nâng cấp bao bì… mới đáp ứng đầy đủ điều kiện. Còn muốn nâng cấp từ 4 sao lên 5 sao, đòi hỏi chủ thể phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất chuyên nghiệp, có hệ thống phân phối sản phẩm trên quy mô toàn quốc và có sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều hợp tác xã, chủ thể khó đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe này. Đặc biệt có những tiêu chuẩn cao về môi trường, sở hữu trí tuệ, Hợp tác xã, doanh nghiệp phải cần thời gian dài đi liền với nguồn vốn tương đối lớn để hoàn thiện. Do đó, dù hiểu về lợi ích của việc nâng cấp, tái chứng nhận sản phẩm OCOP nhưng hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn bị lỡ hẹn.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An cũng đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ những vướng mắc này. Đồng thời, mong muốn các chủ thể tiếp tục rà soát các quy định của bộ tiêu chí để có định hướng đầu tư, nâng cấp kịp thời.

Cụ thể, chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện phát triển sản phẩm; trong đó, ưu tiên hỗ trợ các chủ thể sau khi được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ khó đáp ứng thị trường tiếp tục duy trì, cải tiến nâng cao năng lực sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với đó, rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu, lựa chọn sản phẩm truyền thống, đặc trưng, sản phẩm bản địa... để phát triển sản phẩm OCOP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chú trọng quản lý sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm OCOP.

vna_potal_nghe_an_can_kiem_soat_chat_luong_san_pham_ocop_7375218.jpg
Sản phẩm trà sen của Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đã hết thời hạn công nhận hạng sao. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Sở cũng đã có thông báo gửi đến các huyện, thành, thị về tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã hết thời hạn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo chỉ đạo của UBND tỉnh và sẽ đề nghị UBND tỉnh, UBND các huyện, thành, thị xem xét, thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đối với chủ thể vi phạm.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ thể OCOP, các đơn vị phân phối và người tiêu dùng về giá trị sản phẩm, hình ảnh logo OCOP, góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường.

Bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Để khắc phục tình trạng này, về phía chính quyền, ngành chức năng chủ động tăng cường hỗ trợ hướng dẫn cho các chủ sơ sở, doanh nghiệp nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm chấp hành thực thi các quy định đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP. Còn về phía các chủ thể cũng cần chủ động hơn trong việc đăng ký lại chứng nhận OCOP cho sản phẩm hết thời hạn; quan tâm đến nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm