Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã hỗ trợ nhiều bà con, người sản xuất ở Cao Bằng xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần thúc đẩy thương mại, bán hàng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, để được công nhận "sao" cho sản phẩm đã khó, nhưng việc giữ được "sao" và nâng "sao" cho sản phẩm lại càng khó khăn hơn.
Nhiều sản phẩm tụt "sao" vì sản xuất thiếu tính chuyên nghiệp
Tại Cao Bằng, nhiều sản phẩm nông nghiệp sau đã được công nhận là sản phẩm OCOP nhưng vẫn không mở rộng được thị trường hoặc quy mô cơ sở sản xuất chưa lớn, hạ tầng cơ sở đầu tư chưa tốt nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm mang tính thời vụ, chưa đi vào chế biến sâu. Một số chủ thể sản xuất chưa tâm huyết, chưa chủ động xây dựng nâng tầm thương hiệu… nên sản phẩm có nguy cơ bị tụt "sao", thậm chí bị người tiêu dùng quên lãng, "chết yểu".
Một số sản phẩm OCOP chỉ ở cấp độ làng, xã, quy mô nhỏ. Nhiều sản OCOP có chất lượng, mẫu mã, tên gọi gần giống nhau khiến cho người tiêu dùng nghi ngờ, “hoa mắt” trước các sản phẩm và cũng làm giảm tính cạnh tranh từ sản phẩm OCOP.
Ông Nông Chí Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã trở thành giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP vẫn gặp khó khăn trong việc định vị và nâng tầm sản phẩm. Nguyên nhân là các sản phẩm của người dân nơi đây chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô, tính độc đáo và nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài.
Nhiều địa phương lúng túng trong cách làm, cách xác định tiềm năng, lợi thế và chủ thể sản xuất. Họ chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm nhiều đến phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống. Một số sản phẩm sản xuất thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói sản phẩm nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao, chưa đáp ứng yêu cầu về sản lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối... dẫn đến việc nâng hạng "sao" cho sản phẩm gặp khó khăn.
Được chứng nhận OCOP, vẫn lo ế hàng
Tại Cao Bằng, một số chủ thể sản xuất sau khi đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đã tiếp cận và ký kết hợp đồng với một số chuỗi siêu thị lớn như hệ thống siêu thị Winmart+, Big C, AEON và tham gia thị trường tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh; một số sản phẩm hướng tới thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cần còn nhiều sản phẩm chưa đưa được vào siêu thị do sản lượng không đáp ứng nhu cầu của siêu thị, sản phẩm không bảo quản được lâu, giá thành cao hơn các sản phẩm thông thường…
Chị Hoàng Thu Hương, một người dân ở Thành phố Cao Bằng chia sẻ: "Vẫn biết sản phẩm OCOP chất lượng tốt, xuất xứ rõ ràng nhưng giá cao nên tôi hay mua những sản phẩm thường, rất ít khi dùng các sản phẩm OCOP, nếu có thì chỉ mua làm quà biếu trong dịp lễ, Tết".
Khi được hỏi về các kênh bán hàng, các chủ thể sản phẩm OCOP đều cho rằng, việc tiếp cận các kênh bán hàng qua siêu thị, hệ thống thương mại là rất khó. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ thông qua các nền tảng mạng xã hội, bán lẻ hoặc bán qua các thương lái nên thị trường không ổn định, giá trị kinh tế không cao. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu được bán qua các hội chợ thương mại, cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở các sự kiện của tỉnh.
Bà Nông Thị Lệ Thùy, chủ thể của sản phẩm thạch đen ở huyện Thạch An cho biết: "Sản phẩm của gia đình tôi được công nhận OCOP 3 "sao" năm 2020. Mặc dù sản phẩm được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng nhưng do điều kiện địa lý cách trở, gặp những khó khăn về giao thông và chi phí vận chuyển, dẫn đến khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm bị hạn chế. Vì vậy, phần lớn sản lượng thạch đen được sản xuất ra chủ thể đều tự bày bán, quảng bá qua mạng xã hội, tiêu thụ theo hình thức truyền thống, bán tự do trên thị trường".
Theo ông Hoàng Huy Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Hòa, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chủ sản phẩm loay hoay tìm thị trường tiêu thụ là do sản xuất quy mô nhỏ, việc hình thành chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn ít. Nhiều đơn vị sản xuất chưa chú trọng đầu tư quảng bá sản phẩm, mẫu mã nghèo nàn, nhiều sản phẩm sản xuất mang tính thời vụ nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Thực tế cho thấy, sự “nở rộ” của sản phẩm OCOP vẫn không thể giải quyết nỗi lo về đầu ra sản phẩm. Câu chuyện về sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh là một ví dụ điển hình. Sau khi đạt chuẩn 3 "sao" và được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hạt dẻ chủ yếu vẫn tiêu thụ trong nội địa và giá bán ngoài thị trường không cao hơn so với lúc chưa được chứng nhận. Sản phẩm tạo ra chủ yếu ở dạng thô, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm chưa được chú trọng khiến cho sản phẩm khó lọt vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn.
Để giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm OCOP, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách về hỗ trợ ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở phù hợp điều kiện của địa phương; lồng ghép chặt chẽ Chương trình OCOP với Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.
Quốc Đạt