Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành quyết định công nhận 3 làng nghề ở các huyện Nguyên Bình, Quảng Hòa là làng nghề truyền thống. Việc công nhận các làng nghề truyền thống góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới…
Các làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống gồm: làng nghề miến dong Phia Đén ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình; làng nghề ngói đất nung xóm Lũng Rì, làng nghề nón lá xóm Hoàng Diệu ở xã Tự Do, huyện Quảng Hòa. Ngoài 3 làng nghề truyền thống vừa được công nhận, Cao Bằng còn có 5 làng nghề truyền thống khác gồm: làng nghề rèn xã Phúc Sen, làng nghề hương Phia Thắp, làng nghề giấy bản Quốc Dân (xã Phúc Sen), làng nghề làm đường phên Bó Tờ (thị trấn Hòa Thuận), huyện Quảng Hòa và làng nghề làm hương thảo mộc xóm Nà Kéo (xã Trường Hà), huyện Hà Quảng.
Có mặt tại xã Thành Công, nơi có gần 100 hộ sản xuất miến dong, chủ yếu ở xóm Phia Đén và Pù Vài, bà Trần Thị Phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thành Công cho biết, sản xuất miến dong là nghề truyền thống có từ lâu đời ở Phia Đén, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2023, sản lượng miến dong của xã đạt gần 200 tấn. Việc được công nhận là làng nghề truyền thống sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong xã.
Nằm bên tuyến đường từ thành phố Cao Bằng đến thác Bản Giốc, xã Tự Do, huyện Quảng Hòa có làng nghề truyền thống làm ngói đất nung xóm Lũng Rì và làng nghề nón lá xóm Hoàng Diệu. Ông Nông Văn Nghiệp, một người dân ở xóm Hoàng Diệu cho biết, nghề làm nón lá nơi đây đã có từ lâu đời. Cả xóm có 39/113 hộ làm nón lá. Từ cây tre, cây nứa với đôi bàn tay khéo léo, người dân nơi đây đã tạo ra những chiếc nón có kích thước khác nhau, được du khách tìm mua mỗi khi đến với non nước Cao Bằng.
Việc xây dựng và công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống là mục tiêu đang được Cao Bằng hướng đến. Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát huy các làng nghề hiện gặp không ít khó khăn. Ông Nông Thanh Mẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng chia sẻ thông tin: “Để phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Cao Bằng xác định tạo hiệu quả kinh tế kép từ phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, khôi phục, bảo tồn ít nhất 2 làng nghề truyền thống và công nhận thêm 5 làng nghề...”.
Chu Hiệu