Vừa qua, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), người Dao Tiền đến từ huyện Mộc Châu (Sơn La) đã tổ chức tái hiện Tết cầu mùa (Tết nhảy) đặc sắc của dân tộc mình.
Tết cầu mùa của dân tộc Dao chỉ có ở một số dòng họ trong cộng đồng dân tộc Dao. Hiện nay, chỉ còn lại một số rất ít dòng họ duy trì lễ hội này, thời gian 3 hoặc 5 năm tổ chức một lần.
Tết cầu mùa là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Dao nói chung và người Dao Tiền ở Mộc Châu, Sơn La nói riêng. Đây là lễ hội của dòng họ nhưng mang ý nghĩa chung cho cả cộng đồng người sinh sống ở cùng một khu vực.
Tết cầu mùa được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán, từ 4 - 6 ngày tại nhà trưởng họ. Tết có nhiều ý nghĩa nhưng có hai ý nghĩa chính là tạ ơn và cầu phúc, cầu lộc.
Thông thường nghi lễ thường diễn ra trước 30 Tết (vào 29/12 âm lịch). Lễ vật bao gồm một con lợn, bột nếp, bánh nếp, mía và các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc. Ngày 29/12 âm lịch, tất cả các thành viên trong dòng họ lại đóng lễ vật (gạo, rượu, gà...) về nhà ông trưởng họ, kết hợp cùng bà con hàng xóm tập trung lại để làm thịt lợn, làm bánh cúng và nặn bánh gắn lên cây tre tượng trưng cho mùa màng.
Chuẩn bị lễ xong xuôi, ông trưởng họ cúng mời thần linh và các cụ trong dòng tộc mình về ăn Tết, chứng giám con cháu vui vầy, múa xòe cầu mùa màng bội thu trong năm mới.
Sáng mùng 1 Tết, sẽ có 4 hoặc 6 người dậy sớm múa xòe đuổi ma tà, ác thú, những điều không may của năm cũ. Khi trời sáng hẳn, họ tiếp tục múa xòe cầu tài lộc, gia súc, gia cầm mau về với gia đình, dòng họ và buôn làng.
Kết thúc buổi lễ, gia chủ (trưởng họ) tìm ra 2 người có uy tín, khỏe khoắn, làm ăn khá giả đứng ra xòe cầu tài lộc, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu về với dòng họ, buôn làng và gia chủ phát lộc cho các hộ gia đình trong dòng họ và buôn làng.
Hoàng Tâm