Nằm trong chuỗi các hoạt động Chào Xuân năm mới 2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Kháng đến từ tỉnh Điện Biên đã tổ chức tái hiện lễ tạ ơn (Pang Phoóng) đặc sắc của dân tộc mình.
Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số sống ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Dân tộc Kháng gồm có các dòng họ như: Lò, Lường, Quàng, Vì, Cà... Từng dòng họ lại có những quan niệm, nét văn hóa và những điều kiêng kỵ riêng. Lễ Pang Phoóng là lễ hội, tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo, đặc trưng tiêu biểu chỉ có ở dòng họ Lò Khul, mà các dòng họ khác của dân tộc Kháng sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có.
Lễ Pang Phoóng được tổ chức nhằm tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mọi người trong gia đình, dòng họ luôn được mạnh khỏe, làm được nhiều ruộng nương, lúa gạo, nuôi trâu, bò, lợn, gà... nhanh lớn, mọi công việc làm ăn thuận lợi, phát triển; anh em con cháu trong dòng họ gần gũi, chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống; thắt chặt tình đoàn kết gắn bó; đồng thời nhắc nhở, răn dạy con cháu luôn nhớ về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc mình.
Lễ Pang Phoóng bắt nguồn từ sự tích kể về chuyện tình dang dở, đầy lãng mạn giữa chàng trai con Tạo bản và cô gái vượn của đồng bào dân tộc Kháng, dòng họ Lò Khul. Câu chuyện được lưu truyền trong cộng đồng dân tộc Kháng nhằm hướng thế hệ mai sau luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.
Hằng năm, sau khi vụ mùa đã thu hoạch xong, công việc nương rẫy được hoàn tất, đồng bào Kháng - dòng họ Lò Khul lại tổ chức lễ hội Pang Phoóng tại nhà trưởng họ. Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày vào tháng 11 hoặc 12 dương lịch và các ngày đó không trùng với ngày mất của ông, bà, bố mẹ và đó là ngày rằm.
Trước ngày tổ chức, chủ lễ (trưởng dòng họ Lò Khul), sắp mâm lễ vật để khấn báo tổ tiên về việc làm lễ Pang Phoóng. Mâm lễ cúng tổ tiên gồm có thịt gà, cá, thịt lợn, cơm nếp, rượu... Tất cả đều được làm chín. Trước khi cúng, người chủ lễ mở một tấm ván trong gian thờ để mời tổ tiên vào nhà. Trong gian thờ, ngoài chủ lễ, thầy cúng còn có một người con gái là con của chủ lễ có nhiệm vụ rót rượu cúng trong suốt quá trình làm lễ. Sau đó ông cùng anh em trong họ dọn dẹp nhà cửa, lên rừng lấy cây sung rừng (mắc chắc), hoa mào gà (bảnh cảng hoong só), cây mía rừng (mía phan), ống nứa (bẳng om tiếng Xe pang)… để trang trí gian thờ tổ tiên.
Sau khi khấn báo tổ tiên để làm lễ Pang Phoóng, người Kháng chuẩn bị các lễ vật cho ngày tổ chức chính, gồm: khoai lang (quai hó), khoai sọ (quai kho), bí đỏ (Pe ử), bí đao (pe pén), chuối (tỷ), hoa chuối (le đửa), bắp ngô (nung lý), bó rơm (Piếng), quả đu đủ (pe hoỏng), cơm nếp (mả dum), cốm (mả giủn), chum rượu cần (hay kha xả), cần để uống rượu (bửa khạ), chiêng (le cong), cơm nếp (mả dum).
Đối với người Kháng, quan niệm người chết đi, linh hồn của họ vẫn còn và luôn dõi theo, phù hộ cho con cháu. Lúc còn sống họ ăn gì, uống gì thì sau khi mất đi phải cúng mời tổ tiên những thứ đó. Do đó, khi làm lễ Pang Phoóng đồng bào lấy các nông sản để làm lễ vật dâng cúng tổ tiên, đó là thành quả lao động sản xuất của dòng họ Lò Khul dâng lên tổ tiên.
Đúng ngày làm lễ, ngoài những lễ vật nói trên được sắp xếp trong gian thờ tổ tiên còn có thêm 3 cái bát (quen đưng), 1 con dao (mạc phạ), 1 con gà sống (diên), 1 con lợn (ẹc), 1 chậu đựng nước (ảng om), 1 can nước để đổ vào các hũ rựợu cần, 1 cái chiêng đồng (lé ma nạ) và 1 đôi chũm chọe (lé xẻng) đặt trên bàn thờ - chiêng đồng và chũm choẹ là những nhạc cụ được thầy cúng sử dụng trong quá trình làm lễ.
Đồ cúng được chuẩn bị từ trước và đặt trong gian thờ (Khọ lo hoỏng). Trưởng họ cùng thầy cúng ngồi trước mâm lễ vật làm lý cúng dâng tổ tiên. Trước khi cúng, thầy cúng gõ 3 hồi chiêng với ý nghĩa khấn báo cho tổ tiên biết gia đình đã thu hoạch xong mùa vụ, lúa đã xếp đầy nhà, con cháu nhờ ơn ông bà tổ tiên, xin phép tổ tiên cho gia đình được tổ chức lễ Pang Phoóng để mời tổ tiên về nhận lễ, phù hộ cho con cháu trong gia đình và dòng họ được mạnh khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Sau đó anh em trong dòng họ lò Khul lần lượt vào gian thờ để mời rượu tổ tiên.
Khi nghi thức cúng tổ tiên ở gian thờ đã xong, thầy cúng và trưởng họ sẽ xuống dưới sân nhà, thực hiện lễ cúng thần đất và ma bản, xin được phù hộ cho gia đình cùng dân bản mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi.
Sau khi đã hoàn tất các nghi thức cúng tổ tiên, ma nhà, thần đất, ma bản. Chủ nhà dọn cơm mời mọi người cùng nhau nâng chén rượu mừng lễ Pang Phoóng diễn ra thuận lợi, thành công với những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau. Khi men rượu đã ngấm, cũng là lúc họ vui vẻ đắm mình vào các điệu múa dân gian, những trò chơi truyền thống của đồng bào.
Lễ Pang Phoóng (lễ Tạ ơn) của người Kháng, dòng họ Lò Khul, là lễ hội phản ánh hiện thực trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Kháng: lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn dưỡng tâm, đức và nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng họ được may mắn. Đây cũng là dịp để gặp gỡ, trao đổi, thắt chặt mối quan hệ cộng đồng, dòng họ; thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, bảo vệ và giúp đỡ nhau, là truyền thống tốt đẹp của các dòng họ người Kháng.
Năm 2020, Lễ Pang Phoóng (Tạ ơn) của người Kháng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần bổ sung thêm nguồn tư liệu di sản văn hóa độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Hoàng Tâm