Sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe hữu cơ của Lào Cai hút khách

Sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe hữu cơ của Lào Cai hút khách

Những ngày này khi cả nước đang gồng mình phòng, chống đại dịch COVID-19, rất nhiều lĩnh vực gần như không có doanh thu, thì ở Lào Cai, những sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc hữu cơ từ dược liệu quý hoặc phổ biến nhận được sự ưu tiên của người dùng nên vô cùng hút khách. Cùng với đó, cây dược liệu là loại cây trồng chủ lực của Lào Cai cũng tăng trưởng mạnh mang về hàng trăm tỷ đồng cho nông dân Lào Cai trong nửa đầu năm 2021 bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Doanh thu tăng trưởng tích cực

Tính đến hết tháng 7 năm 2021, lượng tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ dược liệu của Hợp tác xã Thế Tuấn, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai có mức tăng trưởng ngoạn mục, ước tới trên 50% so với doanh thu cả năm 2021. Các loại cao lá, trà, tinh dầu, nước súc miệng... từ cây tía tô, đài bi, màng tang, sả của hợp tác xã luôn trong tình trạng cháy hàng, cung không đủ cầu.

Anh An Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, tinh dầu đài bi là sản phẩm chủ lực của hợp tác xã với nhiều công dụng y học mà chưa có cơ sở tinh dầu nào của Việt Nam chưng cất. Đây là sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao nhất bởi những lợi ích đặc biệt mà nó mang lại.

Với các thành phần dược tính, hoạt chất có lợi, theo đông y, cây đài bi có tác dụng kinh phế và thận, được sử dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh về hô hấp, giảm đau, giảm viêm nhiễm, điều trị vết thương, chấn thương, hôn mê, tan máu...

Ngoài ra, các sản phẩm từ tía tô và sả với công dụng được ghi nhận lâu nay là khả năng kháng khuẩn, giảm đau, giúp chống viêm, thanh lọc không khí cũng được khách hàng ở nhiều địa phương trên cả nước đặt mua nhiều. Đặc biệt, anh Tuấn cho biết, tinh dầu sả đã được các nhà khoa học chứng minh có hàm lượng Citral cao với tác dụng kháng khuẩn rất mạnh.

Bà Vũ Thị Chi ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ đặt mua cả một can tinh dầu sả 5 lít của Hợp tác xã Thế Tuấn cho hay, bà thường sử dụng nó để làm sạch không khí hay khử mùi tại gia đình và nhà hàng. "Đây là một phương pháp vô cùng hiệu quả, góp phần giúp loại bỏ các vi khuẩn gây hại, đồng thời nguồn gốc dược liệu hữu cơ cũng khiến gia đình yên tâm sử dụng hơn ", bà Chi nhấn mạnh.

Trong y học cổ truyền, tam thất từ lâu được biết đến với tác dụng tăng cường sức khỏe, chống trầm cảm, tăng cường khả năng miễn dịch. Đông y đánh giá tác dụng của củ tam thất quý không kém gì nhân sâm. Trong mùa dịch, các sản phẩm trà túi lọc tam thất, bột tam thất và trà tam thất... của Hợp tác xã Mản Thẩn (thôn Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai) đã được cung cấp đến nhiều người tiêu dùng trên cả nước.

Sản phẩm trà túi lọc tam thất Si Ma Cai được bình chọn là “1 trong 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lào Cai năm 2020”. Từ tháng 7/2020 đến nay, do nguồn cung tam thất chưa tương xứng với nhu cầu nên HTX mới chỉ cung cấp ra thị trường được 1.000 hộp trà tam thất.

Chị Vũ Thị Nhung, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục vận động bà con cùng mở rộng diện tích trồng, cho sản lượng tam thất nhiều hơn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, tạo điều kiện cho các hộ dân vùng cao làm giàu từ cây dược liệu quý này.

Với nhu cầu cao, mặt hàng dược liệu của Lào Cai ở chợ Cốc Lếu, Kim Tân, Nguyễn Du... cũng là loại hình bán chạy với mức tăng trưởng được giữ vững so với thời điểm trước khi dịch diễn ra với nguồn khách hàng chủ yếu là khách thương mại điện tử. Do lượng khách đến chợ truyền thống giảm nên các tiểu thương này đẩy mạnh bán hàng online và thanh toán thông qua ví điện tử.

Bà Ngô Thị Tuất, 65 tuổi là chủ một sạp dược liệu chuyên thu mua dược liệu của đồng bào vùng cao tại chợ Cốc Lếu B không khỏi bối rối ở những lần đầu bán hàng qua mạng xã hội, nhưng càng làm càng quen và thấy thuận lợi.

Giờ bà Tuất đã thành thạo với việc quay video, chụp hình mẫu sản phẩm mới rồi gửi lên mạng xã hội cho khách hàng lựa chọn, tạo đơn hàng để giao hàng qua các app và nhận tiền bằng chuyển khoản. Nhờ đó, dù lượng khách đi chợ giảm, bà Tuất vẫn giữ được doanh thu gần như khi chưa có dịch.

"Mặt hàng bán chạy nhất là củ và nụ tam thất, atiso, trà dây, đương quy... Quan trọng nhất là chất lượng hàng đảm bảo. Nếu làm được điều đó thì dù kinh doanh ở hình thức nào cũng sẽ đạt doanh thu tốt", bà Tuất chia sẻ.

Mở rộng diện tích cây dược liệu

Xác định nhu cầu thị trường đối với dược liệu là rất lớn, do đó, để có đủ nguồn cung cho các sản phẩm dược liệu của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho hay, nửa đầu năm 2021, Lào Cai tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích, sản lượng cây dược liệu với 536 ha trồng mới; đạt sản lượng 9.116 tấn, giá trị ước đạt trên 200 tỷ đồng.

Với chủ trương chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang phát triển nông nghiệp hàng hóa, bất chấp đại dịch diễn biến phức tạp, giá trị một số cây trồng tăng từ 10-15% do có đầu tư chế biến, xuất khẩu và tăng giá trị thông qua các mô hình phát triển nông nghiệp.

Ngoài ra, để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chuyển từ hợp đồng nguyên tắc sang ký hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ dược liệu với doanh nghiệp.

Trong những năm qua, sản xuất dược liệu ở Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Diện tích trồng các loại cây dược liệu chính đạt 2.300 ha, tăng 2,5 lần so với năm 2016, thu nhập bình quân đạt từ 120-150 triệu đồng/ha, tăng 25% so với năm 2016.

Vùng sản xuất dược liệu đã được tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng. Hiện có 4 cây dược liệu được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”.

Có 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhiều sản phẩm là đặc trưng của Lào Cai phục vụ khách du lịch như: cao atiso Sa Pa, chè dây, giảo cổ lam, tam thất, thuốc tắm người Dao đỏ... Cây dược liệu của tỉnh Lào Cai đã dần xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước.

UBND tỉnh Lào Cai đánh giá, tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn. Bởi vậy tỉnh này đăt mục tiêu đến năm 2030, cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp Lào Cai; tập trung khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu hàng năm và dược liệu dưới tán rừng trồng thành vùng nguyên liệu hàng hóa.

UBND tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 22 chủng loại chính với diện tích đạt 3.700 ha, sản lượng đạt khoảng 16.000 - 17.000 tấn/năm; 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).

Đồng thời, địa phương nâng cao vai trò quản lý của nhà nước trong công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu 100% sản lượng cây dược liệu được tổ chức theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm