Với nhiều ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng, Lào Cai được mệnh danh là "Vương quốc dược liệu quý" của Việt Nam. Từ những cây cỏ thân thuộc với đồng bào vùng cao sinh trưởng tự nhiên trong rừng hay được mang về trồng trên nương, đồi, vườn nhà, trong nhiều năm qua đồng bào các dân tộc Lào Cai đã và đang biến cây dược liệu trở thành một ngành kinh tế chủ đạo và là mặt hàng gắn liền với sinh kế của người dân các cộng đồng dân cư thôn bản sống gần rừng và sống dựa vào rừng.
Xóa nỗi lo cạn kiệt thuốc quý trong rừng
Ngồi trong ngôi nhà sàn rộng rãi của bà Hà Thị Vinh ở thôn Phát, xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai), nơi nào cũng thấy thoang thoảng mùi thơm nhẹ dịu, ngai ngái từ các loại cây thuốc phơi quanh nhà, từ cây chữa rắn cắn đến chữa phong thấp, gan, thận, đại tràng...
Bà Hà Thị Vinh năm nay đã bước sang tuổi 80, cái tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi dưỡng già, vậy mà cứ ngày qua ngày, bà lại tay dao, tay thuổng trèo đèo, lội suối, vào rừng sâu để tìm cây thuốc về chữa bệnh và nấu cao. Điều thú vị là chỉ bằng những bài thuốc gia truyền là sự tổng hợp của hơn 100 loại thảo dược tưởng chừng như đơn giản ấy lại chữa khỏi những căn bệnh nan y như: ớt rừng chữa bệnh thận; cảm kháy (tiếng địa phương) chữa bệnh gan; cây tảng khắm, cây đeng đản, cây khẻo cứ (tiếng địa phương) chữa nhức mỏi, phong tê thấp, đau dây thần kinh; bệnh hậu sản mòn, bệnh tim có dứa đỏ, dứa gai…
Tiếng lành đồn xa, người trong huyện, trong tỉnh, đến các tỉnh lân cận cũng tìm tới đặt mua, bởi khách hàng đã thấy tác dụng mà cao mang lại sau một thời gian sử dụng. Theo chia sẻ của bà Vinh, 10 năm trở về trước, mối lo ngại nhất của bà là cây thuốc trong rừng ngày càng cạn kiệt, những bài thuốc quý y học gia truyền bị mai một vì thế mỗi lần bà vào rừng hái thuốc thấy loài cây nào mọc nhiều bà đều nhổ lấy một nhánh nhỏ về trồng, loại nào giâm được cành là bà mang về. Cứ thế, bao năm qua, khắp xung quanh nhà, vườn tược, bờ ao nhà bà đâu đâu cũng trồng cây thuốc.
Tuy vậy, nỗi lo lắng này của bà Vinh dần được xóa bỏ khi từ năm 2011 trở lại đây, Lào Cai đã từng bước đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng "mũi nhọn", thay thế cây lúa, ngô để xóa nghèo nhanh và bền vững. Từ đây, các làng nghề truyền thống sản xuất và sử dụng thảo dược để xuất khẩu dần được hình thành và có xu hướng phát triển mạnh, thu hút một lực lượng lao động trong khu vực dân cư thôn bản.
Mặt khác, việc mở rộng quy mô hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo nên những cơ hội kinh tế quan trọng cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, làng nghề sản xuất, kinh doanh lâm sản ngoài gỗ phát triển, góp phần vào việc cải thiện đời sống người dân và làm thay đổi diện mạo nền kinh tế ở địa phương.
Đưa chúng tôi xuống thăm vườn tam thất diện tích hơn 3ha của gia đình anh Thào A Sì, dân tộc Mông, ở xã Lùng Thẩn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai Thào A Lừ cho biết, vụ thu hoạch vừa rồi, gia đình anh Sì thu hoạch hơn chín tấn củ tươi và sáu tạ hoa; giá củ tươi là 700 nghìn đồng/kg, hoa là 500 nghìn đồng/kg, thu về gần 7 tỷ đồng.
Tam thất trồng ở Si Ma Cai, cả củ và hoa hiện đang được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng bào ở các xã vùng cao Si Ma Cai còn chuyển đổi đất ruộng, nương đồi sang trồng cây đương quy cho thu nhập cao gấp từ ba đến năm lần so với trồng ngô, lúa truyền thống.
Trong khi đó, để bảo tồn và phát triển các loại cây thuốc quý của vùng, Công ty cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (Sapanapro) xây dựng thương hiệu thuốc tắm người Dao. Công ty do anh Lý Láo Lở thành lập, cổ đông là hơn 60 hộ người Dao ở xã Tả Phìn (Sa Pa) góp vốn, góp đất hoặc góp vùng trồng nguyên liệu cây thuốc tắm... cùng kinh doanh.
Công ty đã cho ra thị trường các sản phẩm độc đáo như: cao thuốc tắm, sữa tắm dược liệu... với doanh số đạt khoảng gần 10 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 60 nhân công, hơn 300 hộ nông dân gián tiếp hưởng lợi từ việc bán dược liệu. Giờ đây không chỉ ở ngay trung tâm thị xã Sa Pa, các bài thuốc quý của người dân tộc thiểu số địa phương do chính họ sản xuất và làm chủ đã được bày bán rộng rãi và nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp
Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ xác định Lào Cai là một trong 8 vùng trồng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam. Trên thực tế, tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn. Nguồn dược liệu của cộng đồng các dân tộc Lào Cai ngày càng được mở rộng không chỉ cho thấy, vai trò quan trọng của loại cây trồng này trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp mà còn chứng tỏ nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm dược liệu của Lào Cai ngày càng tăng cao.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, tổng diện tích cây dược liệu của Lào Cai năm 2020 đạt trên 3.700 ha (cây dược liệu hằng năm là trên 1.100ha, cây dược liệu lâu năm là trên 2.660ha), tăng 2,5 lần so với năm 2016. Thu nhập bình quân từ cây dược liệu đạt từ 120-150 triệu đồng/ha, tăng 25% so với năm 2016; trong đó, đặc biệt cây tam thất giá trị đạt trên 600 triệu đồng/ha.
Địa phương này đã có 114 ha với 5 cây dược liệu được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO “thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”; có 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhiều sản phẩm thảo dược đặc trưng của Lào Cai được khách du lịch yêu mến và đánh giá cao như: cao atiso Sa Pa, chè dây, giảo cổ lam, tam thất, thuốc tắm người Dao đỏ... Qua đó, các sản phẩm từ dược liệu của Lào Cai đã dần xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp; đưa diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 22 chủng loại chính; 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) và được tổ chức theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Để đạt được mục tiêu, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển sản xuất dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái, phát huy các thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu gắn với thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo ra sản phẩm làm quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai. Đồng thời, xây dựng mới các mô hình theo hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu bền vững; đồng thời, địa phương tiếp tục chuyển giao công nghệ, khuyến nông đào tạo tập huấn cho nông dân về sản xuất dược liệu an toàn, chất lượng để đáp ứng yêu caầu thu mua của doanh nghiệp
Cùng với đó, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2021, Lào Cai sẽ tiếp tục duy trì và phát triển nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây dược liệu đối với các chủng loại có tiềm năng, lợi thế như: tam thất, atiso, đương quy...
Hương Thu