Quảng Trị tăng sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu

Tỉnh Quảng Trị đang tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) có nguồn gốc từ dược liệu, để tăng giá trị cho cây trồng chủ lực này.

vna_potal_quang_tri_nhan_rong_mo_hinh_trong_cay_duoc_lieu_an_xoa__5621293.jpg
Vườn cây dược liệu an xoa trồng ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu hiện chiếm khoảng 1/3 trong tổng số trên 140 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có thêm 30 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận sản phầm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao. Đến năm 2030 tỉnh sẽ có thêm 40 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu; trong đó, có ít nhất 2 sản phẩm được công nhận sản phầm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Huyện Cam Lộ hiện có gần 300 ha cây dược liệu. Năm 2025 vùng chuyên canh cây dược liệu của địa phương này dự kiến đạt 500 ha gồm 100 ha chè vằng, 200 ha cây an xoa, 50 ha cà gai leo, 100 ha cây tràm năm gân và 50 ha cây dược liệu các loại khác. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, dược liệu là cây trồng chủ lực và cho hiệu quả kinh tế cao của địa phương. Huyện đã và đang tiếp tục hỗ trợ người trồng cây dược liệu; cá nhân và tổ chức sản xuất các sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP có nguồn từ dược liệu để tăng giá trị.

Tỉnh hiện có trên 3.500 ha cây dược liệu tập trung phần lớn ở 5 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Dược liệu ở Quảng Trị đa dạng khi có khoảng 40 loài đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ. Ngoài ra còn có hàng trăm loài dược liệu được người dân thu hái để làm thuốc như: Ba kích tím, sa nhân tím, đẳng sâm, lan kim tuyến...

vna_potal_quang_tri_khuyen_khich_phat_trien_duoc_lieu_thanh_loai_cay_trong_chu_luc_6181745_1.jpg
Một số sản phẩm từ cây dược liệu tỉnh Quảng Trị được giới thiệu. Ảnh: Thanh Thuỷ - TTXVN

Dự kiến đến năm 2025 diện tích cây dược liệu của tỉnh tăng lên 4.500 ha; trong đó trồng mới cây dược liệu có quy mô sản xuất tập trung ít nhất là 200 ha đối với những cây dược liệu có tiềm năng như nghệ, chè vằng, sả, cà gai leo, an xoa; trồng mới cây dược liệu dưới tán rừng ít nhất 800 ha đối với những cây dược liệu có tiềm năng như giảo cổ lam, sâm cau, khôi tía. Tỉnh cũng xây dựng và nâng cấp 20 cơ sở sơ chế, chế biến bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu.

Đến năm 2030 tỉnh dự kiến phát triển cây dược liệu lên trên 6.000 ha, trong đó trồng mới thêm 1.500 ha; xây dựng và nâng cấp thêm 10 cơ sở sơ chế, chế biến bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu.

Tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu; phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu; xây dựng các trung tâm giống trên cơ sở tái cấu trúc những đơn vị sản xuất giống hiện có, tập trung vào các loài cây dược liệu có quy mô lớn; bảo tồn các cây thuốc bản địa kết hợp với du lịch.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm