Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị

Triển khai từ năm 2021 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần tạo sinh kế bền vững, tỉ lệ hộ nghèo giảm sâu, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Quảng Trị.

vna_potal_quang_tri_von_vay_uu_dai_-_diem_tua_cho_ho_dan_toc_thieu_so_vuon_len_thoat_ngheo_6493049.jpg
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Hồ Văn Nguy, ở xã biên giới Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã phát triển chăn nuôi dê, bò và trồng 3ha rừng, thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Giúp dân an cư, tạo sinh kế

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, trong đó, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) với 10 dự án với tổng nguồn đầu tư lớn, đã tác động toàn diện lên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, Chương trình còn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đầu tư mô hình sinh kế, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Trị đã có những chuyến biến tích cực.

Là huyện miền núi nghèo có gần 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bởi vậy, việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được chính quyền địa phương Đakrông ưu tiên triển khai sớm. Trong 2 năm 2022 và 2023, tổng ngân sách hỗ trợ đất ở là 7,6 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Nguyễn Đăng Sơn cho biết: Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã tập trung thực hiện các chính sách đầu tư của Nhà nước, triển khai hỗ trợ đất ở, nhà ở, tạo sinh kế, giống cây trồng, vật nuôi và công cụ sản xuất; quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Những năm qua, Đakrông đã hỗ trợ 65 hộ thiếu đất ở; xây dựng nhà mới cho 500 hộ nghèo; 126 hộ chuyển đổi nghề do thiếu đất sản xuất; xây dựng 68 công trình nước sạch... ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Huyện cũng làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội, để tạo điều kiện cho hơn 12.900 lượt hộ nghèo được vay vốn xây dựng và phát triển sản xuất với tổng số tiền hơn 600 tỷ đồng.

vna_potal_quang_tri_von_vay_uu_dai_-_diem_tua_cho_ho_dan_toc_thieu_so_vuon_len_thoat_ngheo_6493051.jpg
Hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Cùng với hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Trị còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Điển hình như mô hình trồng chuối lùn thoát nghèo của chị em người Bru Vân Kiều ở xã Tà Rụt.

Bà Hồ Thị Xở, Tổ trưởng Tổ hợp tác chuối lùn Tà Rụt cho biết: Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ hơn 500 triệu đồng. Chị em người Bru Vân Kiều ở xã Tà Rụt đã thành lập tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, tổ hợp tác đã có hơn 40 hội viên và trồng được 18ha chuối tại thôn Tà Rụt 1, Tà Rụt 2 và Tà Rụt 3. Mô hình trồng chuối cho thu nhập ổn định, mỗi thành viên mỗi năm thu 100-120 triệu đồng, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

Chỉ tính từ cuối năm 2022 đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tại 31 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Trị đã giảm 6,92% (mục tiêu hàng năm giảm 4-5%), tại các xã đặc biệt khó khăn giảm 7,47%. Hàng ngàn hộ nghèo sinh sống tại xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã được giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Gỡ vướng mắc trong khâu giải ngân

Khuôn khổ Chương trình MTQG 1719, kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị hơn 1.198 tỉ đồng để thực hiện 10 dự án đầu tư phát triển công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 - 5%/năm.

Bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉ lệ giải ngân của Chương trình MTQG 1719 còn thấp. Đến nay, toàn Chương trình mới chỉ giải ngân được 550,6/980,2 tỉ đồng, đạt 56,2% (giai đoạn 2021-2024). Một số vấn đề quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số như: Tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở chưa được giải quyết hiệu quả; hoạt động hỗ trợ sản xuất chưa bền vững; một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu phương tiện, thiếu vốn sản xuất nên tỷ lệ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo còn cao.

Bên cạnh đó vẫn còn những hộ đồng bào chưa thực sự chủ động áp dụng phương pháp sản xuất phù hợp, ổn định cuộc sống, còn trông chờ Nhà nước, cộng đồng; vẫn tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu trong cộng đồng.

Lý giải về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt thấp, bà Hồ Thị Lệ Hà cho rằng, do bất cập, vướng mắc từ các cơ chế chính sách; văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện chương trình còn chưa cụ thể, rõ ràng. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, nguồn vốn cho Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 được phân bổ muộn làm cho công tác giải ngân toàn chương trình bị chậm so với yêu cầu.

Các địa phương gặp khó khăn khi triển khai nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Thực trạng quỹ đất của một số địa phương qua rà soát không đủ để thực hiện theo yêu cầu của chương trình; quy hoạch sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn các huyện miền núi chủ yếu thực hiện trên đất rừng các loại nhưng việc chuyển đổi đất rừng mất rất nhiều thời gian và khó khăn trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo bà Hồ Thị Lệ Hà, thời gian tới, Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo thứ tự ưu tiên, giải quyết những vấn đề bức thiết nhất về nhu cầu sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt chú trọng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho người dân; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng hiệu quả vốn vay để phát triển kinh tế; bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn, gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Nguyên Linh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm