Tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, nhất là rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC.
Tỉnh hiện có hơn 248.000 ha rừng; trong đó rừng trồng trên 110.000 ha cho sản lượng gỗ khai thác bình quân từ 900.000 – 1,1 triệu m3/năm, còn lại là rừng tự nhiên. Trong tổng diện tích rừng, đến tháng 6/2024 tỉnh có hơn 26.000 ha đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững, dẫn đầu cả nước khi chiếm khoảng 12% tổng diện tích rừng loại này ở nước ta. Rừng đạt chứng chỉ FSC của tỉnh tập trung ở các công ty lâm nghiệp gồm: Đường 9, Bến Hải, Triệu Hải với tổng diện tích trên 16.360 ha; còn lại ở các hợp tác xã, nhóm hộ và hộ.
Tỉnh xác định phát triển rừng gỗ lớn FSC là giải pháp căn cơ, để đưa Quảng Trị trở thành “Trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng ở khu vực miền Trung” vào năm 2030, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Rừng đạt chứng chỉ FSC cho khai thác sau khoảng 10 năm trồng, mỗi ha cho năng suất từ 170 - 200 tấn gỗ; trong đó khoảng 70% cây gỗ có đường kính hơn 12cm đủ tiêu chuẩn để chế biến thành nhiều sản phẩm xuất khẩu sang những thị trường “khó tính” như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Sau khi trừ hết chi phí với khoảng 30 triệu đồng, mỗi ha rừng FSC cho thu lãi trên 100 triệu đồng, cao gấp hơn hai lần so với trồng rừng thông thường. Tỉnh phấn đấu phát triển được 30.000 ha rừng FSC vào năm 2030.
Đối với trồng rừng sản xuất thông thường, mỗi năm tỉnh trồng mới từ 8.000 – 10.000 ha, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và duy trì độ che phủ rừng gần 50%. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, những năm gần đây tỉnh thực hiện trồng rừng theo “Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh” của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; lựa chọn ưu tiên các loài cây trồng phù hợp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng và huy động nhiều nguồn lực.
Nhờ có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng dồi dào mà ngành công nghiệp sản xuất gỗ thành phẩm ở Quảng Trị phát triển mạnh với hơn 40 nhà máy chế biến gỗ và gần 200 cơ sở kinh doanh chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ. Ngành công nghiệp này đang tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, cùng hàng chục nghìn lao động gián tiếp và người trồng rừng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5.600 tỷ đồng, tăng bình quân 13%/năm; kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 120 triệu USD, tăng bình quân 8,4%/năm.
Nguyên Lý