Tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện các giải pháp tăng giá trị cho các sản phẩm trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhất là các sản phẩm chủ lực đặc trưng của các địa phương.
Đến tháng 10/2024, tỉnh đã có 141 sản phẩm OCOP; trong đó, có 43 sản phẩm 4 sao và 98 sản phẩm 3 sao. Trong số những sản phẩm đã được công nhận OCOP, có nhiều sản phẩm có giá trị cao nhờ áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ, chế biến sâu.
“Hạt tiêu Cùa” của huyện Cam Lộ là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hạt tiêu Cùa vốn đã nổi tiếng bởi có hàm lượng tinh dầu cao, hạt chắc, hương vị nồng cay và có mùi thơm đặc trưng. Huyện Cam Lộ hiện có hơn 400 ha hồ tiêu trồng ở vùng gò đồi đất đỏ bazan ở các xã: Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa.
Để tăng giá trị cho hồ tiêu, huyện Cam Lộ đã xây dựng vùng sản xuất tiêu an toàn theo hướng hữu cơ; sản phẩm chế biến từ hạt tiêu phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có chỉ dẫn địa lý và truy suất nguồn gốc. Do đó thương hiệu “Hạt tiêu Cùa” có đầu ra ổn định, giá bán cao hơn so với tiêu sản xuất truyền thống từ 3.000 - 7.000 đồng/kg. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, địa phương đang tiếp tục tăng giá trị cho sản phẩm “Hạt tiêu Cùa” khi hỗ trợ liên kết giữa người trồng hồ tiêu với doanh nghiệp, để sản xuất ra sản phẩm đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Huyện miền núi Hướng Hóa hiện có trên 3.700 ha cà phê; trong đó, có khoảng 3.400 ha đang cho thu hoạch tập trung ở các xã: Hướng Phùng, Hướng Lộc, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Lập, thị trấn Khe Sanh. Sản phẩm cà phê Hướng Hóa đã trở thành đặc sản. Quảng Trị đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn là 1 trong 8 tỉnh để phát triển cà phê đặc sản, theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Huyện Hướng Hóa đã có sản phẩm từ cà phê đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh là “Khe Sanh Coffee dạng bột 100% Arabica” và “Khe Sanh Coffee dạng hạt rang”. Sản phẩm “Cà phê Khe Sanh” của huyện Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa hoạc và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể; qua đó tạo điều kiện cho sản phẩm này khẳng định chỗ đứng trên thị trường, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tỉnh đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa như nhân rộng mô hình sản xuất cà phê hữu cơ, tái canh cà phê chất lượng cao.
Tỉnh Quảng Trị cũng đang thực nhiều giải pháp để tăng giá trị cho sản phẩm OCOP chủ lực đặc trưng như gạo hữu cơ, cam K4, các sản phẩm từ cây dược liệu... Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã yêu cầu các địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh; cơ quan chức năng hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực đặc trưng gắn với vùng nguyên liệu ở địa phương. Việc phát triển các sản phẩm OCOP, nhất là sản phẩm chủ lực đặc trưng không chạy theo số lượng mà cần khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường.
Nguyên Lý