Tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Sản phẩm OCOP 4 sao “Gạo hữu cơ Quảng Trị” của Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị ở thành phố Đông Hà, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường “khó tính”. Đầu năm 2023, công ty đã xuất khẩu lô gạo hữu cơ đầu tiên sang thị trường châu Âu với giá bán 1.800 USD/tấn. Trước đó, từ năm 2017, công ty đã triển khai mô hình sản xuất gạo hữu cơ theo chuỗi liên kết với bà con nông dân tỉnh Quảng Trị tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong với diện tích trên 35 ha, sản lượng khoảng 340 tấn/năm. Mô hình này được canh tác, áp dụng quy trình hữu cơ của Nhật Bản cho năng suất từ 5,5 - 6 tấn lúa/ha.
Sản phẩm OCOP 4 sao “Cao chè vằng Mai Thị Thủy” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) cũng đã chinh phục được người tiêu dùng. Sản phẩm này được chiết xuất từ lá và thân của cây chè vằng (một loại cây dược liệu) hoàn toàn nguyên chất, không chất bảo quản, không phụ gia, không pha trộn. Chè vằng được trồng theo hướng hữu cơ, không bón phân hóa học và thuốc trừ sâu. Người tiêu dùng ưa chuộng bởi nước uống từ chè vằng có vị đậm đà và thơm tự nhiên, lúc đầu uống có vị đắng sau có vị ngọt mát.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh, phát triển các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu là thế mạnh của địa phương khi có vùng nguyên liệu khoảng 300 ha, chủ yếu là chè vằng, an xoa, cà gai leo. Sản phẩm OCOP từ cây dược liệu của địa phương không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và mà còn xuất khẩu đi một số nước.
Đến cuối tháng 6/2024, tỉnh Quảng Trị có 138 sản phẩm OCOP; trong đó, 43 sản phẩm 4 sao, 95 sản phẩm 3 sao thuộc 76 chủ thể OCOP gồm 21 hợp tác xã, 9 tổ hợp tác, 22 doanh nghiệp, 24 hộ sản xuất kinh doanh. Nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Trị đã chinh phục được thị trường như sản phẩm từ các cây dược liệu như chè vằng, an xoa, tràm, nghệ, giảo cổ lam… Ngoài ra còn có các sản phẩm là nông sản mà địa phương có thế mạnh như gạo, hồ tiêu, cà phê, ném (cây gia vị thuộc họ hành)… được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm OCOP, tỉnh chú trọng quảng bá sản phẩm. Ngoài mở các điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, tỉnh còn hỗ trợ các cá nhân, tổ chức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử góp phần kết nối thị trường. Theo Phó Chủ tịch Thương trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, thông qua việc triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại kết nối cung cầu, sản phẩm OCOP của tỉnh đã có sức tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước.
Nguyên Lý