Quản lý và phát triển nhãn hiệu sầu riêng Tân Thới

Ngày 17/8, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu dự án "Quản lý và phát triển nhãn hiệu sầu riêng Tân Thới" (huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ). Dự án do Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ NHONHO (Viện Khoa học và Công nghệ Mekong Cần Thơ) chủ trì.

Theo ông Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đây là dự án thứ hai được Sở Khoa học và Công nghệ trích kinh phí để triển khai, góp phần nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Quản lý và phát triển nhãn hiệu các loại trái cây nói chung và "sầu riêng Tân Thới" nói riêng nằm trong Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt đến năm 2030.

Qua thời gian triển khai dự án, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tình hình khai thác, quản lý nhãn hiệu tập thể và xác định thị trường mục tiêu cho sản phẩm sầu riêng Tân Thới; xây dựng mô hình tổ chức, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể sầu riêng Tân Thới.

Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, huyện Phong Điền cho biết, thông qua các hoạt động của dự án, thương hiệu sầu riêng Tân Thới đã tiếp cận rộng hơn với nhiều kênh tiêu dùng (bán lẻ và bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng thay vì bán cho thương lái như trước). Đặc biệt, có hợp tác xã đã mở rộng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp lớn là cơ hội để sầu riêng Tân Thới quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường.

Sầu riêng Tân Thới không chỉ nổi tiếng ở Cần Thơ mà còn cả nước. Huyện Phong Điền có trên 1.500 ha trồng sầu riêng; trong đó, xã Tân Thới chiếm trên 30% diện tích sầu riêng toàn huyện. Năm 2018, sầu riêng Tân Thới được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Thu Hiền

Tin liên quan

Hướng dẫn thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sầu riêng

Trong hai ngày 18/7 và 19/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức “Hội nghị tập huấn hướng dẫn thiết lập vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sầu riêng”. Tham dự hội nghị có 150 đại biểu là cán bộ các đơn vị trực thuộc, đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đóng gói, chế biến sầu riêng xuất khẩu các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.


Khuyến khích nông dân sử dụng tem truy xuất nguồn gốc thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”

Huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng là địa phương có sản phẩm trái sầu riêng nổi tiếng trong và ngoài nước. Từ năm 2016, sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu độc quyền thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”. Huyện đang vận động nông dân sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng; đồng thời, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là 1 trong những giải pháp nhằm chuẩn bị cho mùa thu hoạch sầu riêng sắp diễn ra, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm nông nghiệp trong nước.


Huyện Cai Lậy gắn kết vùng chuyên canh sầu riêng với tìm đầu ra cho nông sản

Là địa phương nằm trên địa bàn ngập lũ thượng nguồn sông Tiền, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang cụ thể hóa chủ trương “chung sống với lũ” thông qua xây dựng vùng trồng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao gắn với giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản chủ lực, nông dân hưởng lợi và nông nghiệp – nông thôn thay đổi một cách tích cực.



Đề xuất