Phú Thọ: Huy động gần 12 tỷ đồng phát triển sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Phú Thọ lên kế hoạch phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 80 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt hạng 3 sao trở lên, với giá trị huy động gần 12 tỷ đồng.

vna_potal_phu_tho_phat_trien_san_pham_ocop_the_manh_163842406_7185801.jpg
Sản phẩm trà của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà Út, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba đạt chất lượng OCOP 5 sao năm 2022. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, chương trình dự kiến phát triển 67 sản phẩm mới hạng 3 sao; 4 sản phẩm mới hạng 4 sao; 7 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; 4 sản phẩm nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng có triển vọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng có thị trường ổn định để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân.

Qua chương trình góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn gắn với phát triển hợp tác xã, ngành nghề, làng nghề nông thôn, du lịch dịch vụ và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

vna_potal_phu_tho_phat_trien_san_pham_ocop_the_manh_7185773.jpg
Chế biến sản phẩm OCOP thịt chua ở nhà máy của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Trường FOODS, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo chương trình này sẽ phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm “OCOP Phú Thọ” có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước tiến tới xuất khẩu.Tỉnh Phú Thọ cũng xây dựng kế hoạch thu hút thêm khoảng 10 doanh nghiệp, 25-30 hợp tác xã, tổ hợp tác và 25-30 cơ sở kinh doanh cá thể, hộ gia đình tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP; có thêm 35-40 xã có sản phẩm tham gia; phát triển thêm 6-8 chuỗi giá trị sản phẩm OCOP có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm OCOP được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 50%.

Hết năm 2023, tỉnh Phú Thọ có thêm 237 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên, Lũy kế hết năm 2024 có 308 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên; giá trị sản phẩm hàng hóa từ sản phẩm OCOP tăng trên 12% so với năm 2023; giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động, thu nhập tăng trên 10% so với năm 2023.

vna_potal_phu_tho_phat_trien_san_pham_ocop_the_manh_7185821.jpg
Dây chuyền đóng gói sản phẩm thịt chua đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm ở nhà máy của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Trường FOODS, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tỉnh Phú Thọ đang xây dựng hồ sơ cho 4 sản phẩm được tỉnh công nhận 4 sao trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thăng hạng 5 sao cho những sản phẩm gồm: sản phẩm chè búp tím Thanh Ba của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển trà UT ở huyện Thanh Ba; mỳ gạo Hùng Lô của Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô ở thành phố Việt Trì; sản phẩm thịt chua Trường Food ở huyện Thanh Sơn và sản phẩm chè xanh Đức Tỵ của Công ty Đức Tỵ ở huyện Phù Ninh.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung phát triển làng nghề nông thôn với các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị kinh tế cao; gắn sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống của tỉnh để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các làng có nghề và làng nghề đạt các tiêu chí để công nhận, đặc biệt là các làng nghề sinh vật cảnh; huy động các nguồn lực, hỗ trợ các điều kiện quảng bá và phát triển khu, điểm tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, làng nghề...

Tỉnh Phú Thọ yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, công bằng, đúng quy định không chạy theo số lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận.

Các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ tư vấn, hoàn thiện hồ sơ đánh giá và phân hạng sản phẩm; nâng cấp, tiêu chuẩn hoá và phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng thiết kế logo, bao bì, nhãn hiệu, ấn phẩm quảng bá, website; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận các sản phẩm theo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP…), áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu đầu tư hệ thống nhận diện bảo hộ thương hiệu sản phẩm nhằm cải thiện, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm