Diện mạo mới ở địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới của Phú Thọ

Diện mạo mới ở địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới của Phú Thọ

Với hướng đi đúng, trúng và cách làm hiệu quả, huyện Thanh Ba đã trở thành một trong những địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Xây dựng nông thôn mới đã tạo ra được nhiều “trái ngọt” ở khắp các địa phương trong huyện.

*“Đột phá” từ mạng lưới hạ tầng

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tạo những bước ngoặt lớn trong đà phát triển kinh tế - xã hội. Điều đáng nói, Thanh Ba đã nỗ lực, sáng tạo với nhiều cách làm hay, năng động và bài bản trong xây dựng nông thôn mới.

Thanh Ba là huyện trung du miền núi của tỉnh Phú Thọ. Huyện luôn xác định phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là khâu đột phá, tạo động lực cho sản xuất. Đến nay, sau những nỗ lực, Thanh Ba có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, hai xã Thanh Hà và Đồng Xuân được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và xã Đông Thành đã đề nghị UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Ba cho biết, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ có trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để xây dựng nông thôn mới. Phong trào đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Diện mạo mới ở địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới của Phú Thọ ảnh 1Công nhân Công ty TNHH Đầu tư và phát triển trà UT ở xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba đóng gói trà búp tím. Ảnh: TTXVN phát

Với sự đầu tư hiệu quả, hệ thống giao thông của huyện có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Huyện đầu tư xây dựng trên 110km đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa quanh năm. Huyện nâng cấp sửa chữa 223 công trình, hệ thống thủy lợi với diện tích tưới tiêu chủ động trên 90%. Các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. 100% xã có điện lưới quốc gia. Mạng lưới điện nông thôn phát triển nhanh, tạo động lực cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống ở nông thôn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục được huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện, với 59/59 trường đạt chuẩn quốc gia.

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho hay, huyện tập trung huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc; các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Xác định mục tiêu đầu tư cho giao thông là điều kiện phát triển giao thương, thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng, huyện có nhiều giải pháp tích cực, ưu tiên nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên các địa bàn.

Trong đó, huyện tập trung vào 3 dự án giao thông trọng điểm kết nối với trung tâm huyện như: Tuyến đường giao thông kết nối từ nút giao km30 cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện đi Cụm công nghiệp Bãi Ba qua tỉnh lộ 314 với nút giao IC9 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến đường kết nối mở rộng thị trấn Thanh Ba đi đường tỉnh 314B, đường tỉnh 314 với khu vực phía Nam của huyện (giai đoạn 1) với tổng chiều dài khoảng 20km, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.

Diện mạo mới ở địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới của Phú Thọ ảnh 2Nút giao Thanh Ba (Phú Thọ) trên tuyến cao tốc đường bộ Tuyên Quang - Phú Thọ. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Huyện Thanh Ba đã quy hoạch xây dựng 4 cụm công nghiệp, trong đó, hai cụm đang đi vào hoạt động. Hai cụm công nghiệp thu hút 21 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh; tỷ lệ lấp đầy đạt 70%; tạo việc làm cho trên 2.500 lao động. Song song với đó, huyện huy động các nguồn lực đầu tư đường giao thông nội bộ ở các cụm công nghiệp và hệ mương thoát nước với tổng kinh phí đầu tư gần 70 tỷ đồng. Huyện đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật; bồi thường giải phóng mặt bằng ở 2 cụm công nghiệp: Bãi Ba 2 và Quảng Yên với tổng diện tích hơn 144ha; tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Huyện đã triển khai 3 dự án trọng điểm về giao thông giai đoạn 2021 - 2025 (đến nay đã có dự án hoàn thành trên 95% khối lượng), qua đó thu hút đầu tư các dự án nhà ở đô thị…

*Vị thế, sức bật và tầm vóc mới

Năm 2010, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Thanh Ba bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, đặc biệt hạ tầng vùng nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ...

Diện mạo mới ở địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới của Phú Thọ ảnh 3Công nhân Công ty TNHH chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba đóng gói sản phẩm chè xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Thanh Ba đã khoác trên mình áo mới, không gian nông thôn vốn thanh bình yên ả giờ thêm sung túc, đủ đầy. Hộ nghèo giảm đáng kể, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi ngày một tăng, thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng không phải là hiếm.

Thu nhập bình quân đầu người của Thanh Ba hiện đạt gần 60 triệu đồng/năm. Rõ ràng đó là những thành quả thực tế, có khả năng tạo ra những làn sóng lan tỏa, sức hấp dẫn cho nông thôn mới ngày càng thêm mới ở Thanh Ba.

Ông Vi Quốc Minh, khu 14 xã Đông Thành chia sẻ, đối với mỗi làng quê, việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đã minh chứng cho sự khởi sắc; làm thay đổi căn bản về bộ mặt nông thôn miền núi. Người dân không chỉ hưởng lợi từ các công trình phúc lợi mà hơn thế nữa là không gian sống, lòng dân, nhận thức và tinh thần của người dân. Con em được học trong những ngôi trường cao tầng khang trang, an ninh - trật tự thôn xóm được đảm bảo, về đêm đường làng ngõ xóm đều bừng sáng ánh điện, người già, trẻ nhỏ vui chơi trong cảnh thanh bình…

Diện mạo mới ở địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới của Phú Thọ ảnh 4Một phòng học khang trang tại Trường THPT Yển Khê (huyện Thanh Ba). Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Nông thôn mới trong thời kỳ Công nghiệp hóa - hiện đại hóa hôm nay là làng xóm, đường xá phong quang, đồng ruộng liền bờ, liền thửa, cuộc sống nông dân ấm no và hạnh phúc. Thế nhưng, quan trọng hơn nông thôn mới hôm nay vẫn là nơi giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, nơi đảm bảo hài hòa giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Nơi mà cuộc sống luôn thanh bình, vui tươi. Người người ưu tiên, chăm lo cho con cháu. Giữ gìn những giá trị tốt đẹp nhất giá trị nếp sống của người Việt Nam.

Thực tế cho thấy chặng đường hơn 10 năm, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Thanh Ba vẫn còn nhiều bộn bề, trăn trở. Tuy nhiên những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Ba đạt được là niềm tin, động lực để tiếp tục vươn lên ở chặng đường phía trước.

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết, xây dựng nông thôn mới không phải là đích đến mà phải hiểu xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đã đạt được, phải tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục đề cao trách nhiệm về xây dựng nông thôn mới, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, phải khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt phải nâng cao mức sống của người dân, cả vật chất và tinh thần, để đời sống người dân sung túc hơn.

Huyện Thanh Ba tiếp tục tập trung thực hiện tốt hai khâu đột phá “Xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ” và “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao”; huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các đề án, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề… để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới làm cơ sở cho việc giảm nghèo nhanh và bền vững.

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm