Phú Thọ nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương

Sản phẩm chè búp tím Thanh Ba đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 4 sao và đang được các cơ quan, đơn vị liên quan trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao. Ảnh: TTXVN phát
Sản phẩm chè búp tím Thanh Ba đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 4 sao và đang được các cơ quan, đơn vị liên quan trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao. Ảnh: TTXVN phát

Năm 2023, tỉnh Phú Thọ có gần 110 sản phẩm mới được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Trong đó, sản phẩm "Trà đinh cao cấp Hoài Trung" của Công ty TNHH chè Hoài Trung ở Thanh Ba là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh Phú Thọ được công nhận.

Phú Thọ nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương ảnh 1Sản phẩm chè búp tím Thanh Ba đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 4 sao và đang được các cơ quan, đơn vị liên quan trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao. Ảnh: TTXVN phát

Hai sản phẩm là chè búp tím Thanh Ba của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba và sản phẩm mì gạo sạch Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì đang được các cơ quan, đơn vị liên quan trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (gọi tắt là chương trình OCOP) chính thức triển khai tại Phú Thọ từ năm 2018. Đến nay, sau chặng đường hơn 5 năm triển khai, toàn tỉnh đã có 235 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (1 sản phẩm 5 sao; 54 sản phẩm 4 sao; 180 sản phẩm 3 sao).

Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương. Mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một "đại sứ" của từng địa phương ở Phú Thọ và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn. Sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương.

Năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Cụ thể, UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP hạng 3; UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP hạng 4 sao; Trung ương cấp Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP hạng 5 sao.

Theo đó, năm 2023, Phú Thọ có 107 sản phẩm được gắn sao OCOP (96 sản phẩm 3 sao; 11 sản phẩm 4 sao). Năm 2024, tỉnh Phú Thọ phấn đấu có thêm 79 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó, có 66 sản phẩm mới hạng 3 sao; 4 sản phẩm mới hạng 4 sao; 7 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; có 2 sản phẩm nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao). Lũy kế hết năm 2024 toàn tỉnh có 305 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, sản phẩm được đánh giá, phân hạng năm nay là những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh và nét văn hóa của các địa phương. Sản phẩm đã được các huyện, thị và các chủ thể đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác, thu hút người tiêu dùng; có đầy đủ các thông tin cần thiết của sản phẩm; mã QR, mã vạch... bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, nhiều chủ thể đã bước đầu ứng dụng công nghệ để mở thêm kênh tiêu thụ, giao dịch thương mại điện tử thông qua website; mạng xã hội...

Đoan Hùng là 1 trong 13 huyện, thành thị có sản phẩm được đánh giá, phân hạng nhiều nhất tỉnh với 17 sản sản phẩm. Ông Nguyễn Đức Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết, năm 2023, số sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng tăng từ 3 sản phẩm lên 17 sản phẩm, vượt 14 sản phẩm so với kế hoạch của tỉnh. Tuy không có sản phẩm đạt 4 sao nhưng đã có ít nhất 1 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao là bưởi ngọt Vân Đồn.

Thời gian tới, huyện Đoan Hùng chỉ đạo các xã lựa chọn, phát triển sản phẩm tiềm năng, đặc trưng, đặc sản của địa phương, sản phẩm truyền thống, làng nghề có nguy cơ bị thất truyền tại các địa phương, tập trung hỗ trợ các chủ thể khôi phục, phát triển và phấn đấu tiêu chuẩn hóa sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.

Huyện cũng hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể tham gia xây dựng hồ sơ, phân tích thông tin sản phẩm; phương án kinh doanh; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; các hoạt động liên kết sản xuất gắn với công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm... đảm bảo hồ sơ, tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm OCOP và hiệu quả sản xuất kinh doanh; kiểm tra, các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP năm 2024; tiếp tục xây dựng các văn bản chỉ đạo các xã triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình, hỗ trợ bao bì sản phẩm, hỗ trợ tư vấn đối với các sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng…

Huyện Thanh Ba đã có 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó, có một sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia đó là sản phẩm “Trà đinh cao cấp Hoài Trung” của Công ty TNHH chè Hoài Trung

Bà Bùi Thị Mão, Giám đốc Công ty chè Hoài Trung cho biết, với phương châm xây dựng, phát triển sản phẩm sản phẩm chè, công ty đã nỗ lực chăm sóc những cây chè chất lượng cao để cho ra những búp chè được ví như là “ngọc xanh” của vùng đất Thanh Ba. Cùng với đó là nâng cao sức cạnh tranh, tổ chức sản xuất một cách chuyên nghiệp, phát triển, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa của người Thanh Ba.

Nằm trong số sản phẩm được trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao, sản phẩm chè búp tím Thanh Ba của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT cũng thuộc sản phẩm chè đặc biệt của vùng chè đất Tổ.

Bà Lê Thị Hồng Phương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển trà UT cho biết, sản phẩm chè búp tím Thanh Ba được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Để thăng hạng cho sản phẩm này, công ty tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tím, thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo không chỉ ngon, có tính y học đặc biệt mà còn an toàn, lưu giữ và phát huy hết công dụng của sản phẩm.

Hiện nay, 100% diện tích chè được chăm sóc, thu hái đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh, thu hái đúng tiêu chuẩn một tôm 2 lá non. Cùng với đó, việc thu hoạch phục vụ chế biến được theo dõi từng ngày, từng lô riêng biệt đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn, không bị lỗi… Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăng hạng cho sản phẩm này trong năm 2024.

Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Ba cho biết, để nâng cao các sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và nhu cầu thị trường, huyện Thanh Ba sẽ tiếp tục chủ động huy động, lồng ghép nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo quy định.

Cùng đó, tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, tổ chức cho chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại hội chợ, siêu thị; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với đơn vị trong và ngoài địa bàn, gắn với hoạt động văn hóa, tour tuyến du lịch… Từ đó đưa thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện Thanh Ba ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương...

Toàn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm