Phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh: Bài 3 - Nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường

Phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh: Bài 3 - Nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường

* Còn đào tạo kiểu “may sẵn” 

Em Đinh Tấn Diêu, quê Bình Phước, tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin (Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014) cho biết, khi mới ra trường, em đi xin việc tại một số doanh nghiệp, song không xin được vào những vị trí mong muốn. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ muốn nhận em vào làm công nhân chứ không đúng như ngành em theo học vì họ cho rằng “bằng cấp của em không nói lên điều gì cả”. Hiện nay, cả ngày em Diêu làm việc tại một công ty tư nhân thiết kế phần mềm trò chơi ở quận 9, tối đến lại xin một chân phục vụ tại nhà hàng ở quận 2 với mong muốn “rèn luyện tính kỷ luật, nâng cao kỹ năng tiếp xúc khách hàng” để sau này tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn cho bản thân. 

Dây chuyền sản xuất của công ty TNHH Cát Thái (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu- TTXVN
Dây chuyền sản xuất của công ty TNHH Cát Thái (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu- TTXVN


“Khi ra làm việc rồi em mới thấy có quá nhiều thứ mình không được học ở trường. Chẳng hạn như tiếng Anh cũng chỉ được học qua loa. Nhiều chương trình học còn nặng về lý thuyết, thời gian để sinh viên thực hành còn quá ít. Ngay cả kỹ năng giao tiếp, ứng xử và tác phong làm việc công nghiệp chúng em cũng phải tự tìm hiểu, học hỏi các anh chị đã xin được việc làm để rút kinh nghiệm cho bản thân”, Diêu cho biết. 

Trong khi đó, sinh viên Nguyễn Minh Tuấn (Khoa Điện lạnh, Trường Cao đẳng Nghề Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Mặc dù nhà trường có xưởng thực hành, song thiết bị, máy móc còn quá đơn giản, không như những gì em thấy ở bên ngoài. Thời gian thực hành so với thời gian học lý thuyết còn quá ít. Em đang phải vừa học vừa đi làm thêm để lấy kiến thức thực tế chuẩn bị cho sau này”. 

Các vấn đề gặp phải của các em Diêu, Tuấn không phải là chuyện hiếm gặp nếu không muốn nói là khá phổ biến hiện nay. Để sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, ông Vương Bảo Long, Giám đốc Nhân sự Công ty LogiGear cho rằng, các trường cần chú ý trang bị cho sinh viên kỹ năng mềm như làm việc đội nhóm, quản trị thời gian, giao tiếp hiệu quả, giải quyết vấn đề… và nâng cao kỹ năng ngoại ngữ. Đồng thời, rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp, có mục tiêu rõ ràng, cam kết nhất quán tránh “đứng núi này trông núi nọ”, nhất là các bạn trẻ mới ra trường. 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 80% sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề tìm được việc làm, còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm. Trong tổng số tìm được việc làm, cũng chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển. Trong đó vấn đề kỹ năng mềm là yêu cầu nhiều sinh viên, học sinh chưa đáp ứng được. Điều này phản ánh mối liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và nhà trường trong việc đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. 

Ông Vương Lập Bình, Trung tâm Chất lượng quốc tế, chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay vẫn đào tạo theo kiểu “may sẵn chứ không may đo”, đào tạo những thứ nhà trường có chứ không đào tạo những thứ doanh nghiệp cần. Và những sản phẩm “ra lò” không thể dùng được được ngay, gây lãng phí về thời gian và chi phí của cả hai bên, đặc biệt là uy tín của nhà trường. 

Về vấn đề này, giảng viên Bùi Đình Tiền, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay đang có một khoảng trống trong sự chuyển tiếp từ nhà trường đến doanh nghiệp. Đó chính là thời gian “chết” dành cho việc đào tạo lại các sinh viên đã được “nhào nặn” mấy năm trời ở nhà trường. “Khi nhà trường biết cách đào tạo những cái doanh nghiệp cần thì sẽ xác định tỉ lệ lý thuyết và thực hành như thế nào là hợp lý. Cái gì cần đưa vào chương trình đào tạo và cái gì cần loại bỏ khỏi chương trình đào tạo. Do đó, doanh nghiệp cần giúp các trường định hướng, đưa ra chuẩn nghề nghiệp và hỗ trợ công tác đào tạo của nhà trường”, giảng viên Bùi Đình Tiền chia sẻ. 

* Cần liên kết thực chất hơn 

“Nhiều năm qua, hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường không còn là vấn đề mới, nhưng cần chúng ta có một cái nhìn thẳng thắn, khoa học để nắm được quy luật, cùng chung tay giải bài toán mà các biến số tham gia luôn thay đổi. Có như vậy mới có thể đào tạo được nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập”, ông Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn khẳng định. 

Một góc Khu chế xuất Linh Trung (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh- TTXVN
Một góc Khu chế xuất Linh Trung (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh- TTXVN


Ông Dũng cho rằng, không cần phải khoa trương bằng những hợp đồng liên kết đào tạo mang tính hình thức, chính chất lượng đào tạo là một trong những tiêu chí hàng đầu để quảng bá thương hiệu, tạo sự ổn định và niềm tin của xã hội đối với mỗi cơ sở giáo dục. Chất lượng đào tạo của một cơ sở giáo dục sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà tuyển dụng, người học, phụ huynh, các nhà hoạch định chính sách. 

Trước một số ý kiến hiện nay có tình trạng “bội thực” liên kết giữa trường với doanh nghiệp, giảng viên Bùi Đình Tiền cho rằng đó là bởi đa số các liên kết này chỉ nằm ở vấn đề tài trợ, hỗ trợ của doanh nghiệp, sử dụng “nhân lực giá rẻ hay miễn phí” thông qua tuyển sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, quảng bá tên tuổi lẫn nhau (để dễ tuyển sinh hay dễ bán hàng).

Ở góc độ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc TMA Solutions nhìn nhận, hiện nay các trường đào tạo giống nhau trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp thì rất đa dạng. Nếu mỗi trường chuyên sâu vào đào tạo một số lĩnh vực thế mạnh thì sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và tạo thương hiệu cho sinh viên mỗi trường. Do nội dung giảng dạy vẫn năng về lý thuyết, hoạt động thực tập mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, giúp các sinh viên có kinh nghiệm thực hành, có nhiều cơ hội khi xin việc và tự tin khi làm việc. Nếu tất cả các trường đều tổ chức thực tập cho tất cả sinh viên thì chất lượng sinh viên ra trường chắc chắn sẽ tăng lên. 

“Lẽ ra, sự hợp tác này phải nhằm vào định hướng xây dựng, phát triển chương trình và kỹ năng nghề nghiệp, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nhờ đội ngũ chuyên gia giỏi của doanh nghiệp, xây dựng chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và cơ sở vật chất của nhà trường và doanh nghiệp…. Mục tiêu là tránh lãng phí thời gian, tiền của và công sức của người học và nhà trường cũng như tránh tình trạng “học một đằng làm một nẻo”, tuyển lao động rồi phải đào tạo lại từ đầu, người học không chỉ học mà còn được đào tạo kỹ năng, định hướng nghề nghiệp và quản trị được bản thân”, giảng viên Bùi Đình Tiền nhấn mạnh. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Anh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ thông tin iSpace (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, việc liên kết hợp tác đào tạo giữa trường với doanh nghiệp phải đi vào thực chất mới có hiệu quả. Với trường iSpace, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên đơn đặt hàng tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp đã tin tưởng và chủ động liên hệ với trường. 

Các doanh nghiệp đại diện các hãng công nghệ lớn cũng hỗ trợ và kết hợp với trường xây dựng xưởng thực tập - nơi sinh viên thực hiện các công việc cụ thể. Xưởng chứa toàn bộ thiết bị, máy móc cần thiết, tương ứng với từng công việc có trong giáo trình. Do đó, sinh viên iSpace không những không phải tự xin việc làm mà còn có cơ hội nắm giữ các vị trí công việc quan trọng của doanh nghiệp. Bởi nhà trường có chương trình đào tạo riêng với những trường hợp đặc biệt do doanh nghiệp đề xuất. 

Theo một số chuyên gia, cần đẩy mạnh thực hiện mô hình “Doanh nghiệp trong nhà trường – Nhà trường trong doanh nghiệp”. Để xây dựng được mô hình này đòi hỏi 3 yếu tố là môi trường, quy trình và giảng viên. Mong muốn của người học là học được đúng cái cần học (cái doanh nghiệp cần) và ra trường áp dụng được vào công việc (làm những điều đã được học trong trường). Do đó, những trải nghiệm thực tế luôn cần thiết trong mỗi chương trình đào tạo, sinh viên được tham gia vào các dự án mà trường và doanh nghiệp cùng thực hiện. 


Nhà trường cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với những sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp thông qua các hình thức như: hướng dẫn về thủ tục pháp lý, chia sẻ kinh nghiệm, tham quan học tập các mô hình thành công, kết nối vốn… Những hoạt động này nhằm giúp các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên dễ dàng hơn và sớm trở thành hiện thực. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tham gia mạnh mẽ hơn nữa, coi việc đầu tư cho đào tạo như một hình thức đầu tư phát triển, sẽ giúp doanh nghiệp có thêm quyền và cơ hội lựa chọn các “sản phẩm” lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại. Khi cả hai bên cùng chủ động và tìm ra cách nhìn mới, cách tiếp cận mới để hàn gắn sự lệch pha giữa đầu ra đào tạo và đầu vào tuyển dụng, chắc chắn mối liên kết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà trường và doanh nghiệp./. 


Có thể bạn quan tâm