Bài 2: Vành đai lửa Vĩnh Lộc
Những nữ dân công quả cảm
Thực hiện Chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, đêm 1/1/1968, lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa được ban hành toàn miền Nam. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, để phục vụ đơn vị chiến đấu ở thành phố, tại Vĩnh Lộc, các đơn vị du kích được phân công từ trước, một số làm nhiệm vụ hướng dẫn các đơn vị vũ trang đánh vào thành phố, lực lượng còn lại cùng với Chi bộ ấp hướng dẫn nhân dân chuẩn bị lương thực tiếp tế cho bộ đội, chuẩn bị lực lượng dân công tải đạn, tải thương từ khu vực chiến trường đến huyện Bến Lức, Long An. Hàng trăm nam, nữ thanh niên Vĩnh Lộc lúc đó đã tham gia các đoàn dân công làm nhiệm vụ tải đạn, cáng thương, phá rào ấp chiến lược, đào đường, đào công sự.
Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Lộc A còn ghi: Trong đợt hai của chiến dịch Mậu Thân diễn ra từ ngày 5/5 đến 18/6/1968, hàng đêm đoàn dân công chia thành nhiều tốp tải đạn từ Đức Hòa (Long An) về Vĩnh Lộc để tiếp tế cho chiến trường nội thành và lại từ Vĩnh Lộc (Bình Chánh) đưa thương binh về Đức Hòa chuyển giao cho lực lượng khác đưa thương binh về hậu cứ điều trị. Việc tải đạn và đưa thương binh không hề đơn giản, vì các nữ dân công hỏa tuyến phải băng qua các đồng bưng ngập nước, những bụi dứa gai cào xước thịt da, phải quan sát thận trọng để kịp tránh những đợt oanh tạc bất ngờ của máy bay địch.
Vào đêm 15/6/1968, đoàn dân công Vĩnh Lộc có nhiệm vụ chuyển thương binh của Sư đoàn 9 từ bưng biền Láng Cát (Vĩnh Lộc, Bình Chánh) về Bình Thủy (Đức Hòa, Long An), sau đó, lượt về các dân công sẽ làm nhiệm vụ tải đạn.
Khoảng 22 giờ 30 phút đêm 15/6/1968, đoàn dân công tiến về Bình Thủy theo hướng cánh đồng bưng Láng Cát. Đoàn đi thành hàng dọc, men theo bờ kênh rất vất vả vì có những đoạn nước ngập lên đến bụng. Khi đoàn dân công đi đến đoạn góc bưng kênh Láng Cát, bất ngờ địch phát hiện, thả pháo sáng cả một vùng. Chúng đã lập tức xả đạn liên tiếp xuống đìa dứa.
Bà Nguyễn Thị Khỏi - người từng tham gia đoàn dân công chuyển thương binh và tải đạn đêm đó kể lại: Đạn của địch bắn như mưa xuống nơi đoàn dân công ẩn nấp, nước ở đồng bưng lúc đó không còn là nước mà lẫn trong đó là máu đỏ của thương binh và đoàn dân công chúng tôi.
Đêm hôm đó, 35 người đã hy sinh, trong đó có 32 người là dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, giữa lứa tuổi mười sáu, đôi mươi căng tràn sức trẻ. Mất mát, tang thương, nhưng người dân Vĩnh Lộc không nao núng. Đồng bào vẫn tiếp tục tham gia các đoàn dân công để phục vụ chiến trường, làm nên bản hùng ca Xuân 68, góp phần tiến tới thắng lợi của Mùa Xuân năm 1975.
Trong cuốn sách “Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968” do Đảng bộ huyện Bình Chánh biên soạn có những dòng rất xúc động tri ân sự hy sinh của các nữ dân công hỏa tuyến: “Trong thắng lợi ấy có cống hiến thầm lặng của những người dân công, những người ban ngày vui với đồng áng, cấy cày, đêm đến họ lên đường phục vụ cách mạng, theo bên họ không có một thứ vũ khí nào ngoài trái tim thiết tha mong hòa bình, độc lập”.
Cô Ba “dầu cù là”
Ký ức về sự kiện Vĩnh Lộc là nỗi đau, niềm tiếc thương đồng đội đã hy sinh, song cũng là động lực cho những người còn ở lại tiếp tục chiến đấu hoặc làm nhiệm vụ đưa thương binh về cứ hay đi tiếp lương, tải đạn. Một trong những nhân chứng từng tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, may mắn trở về sau đêm 15/6/1968 ấy chính là bà Nguyễn Thị Khỏi, người mà người dân Vĩnh Lộc thường gọi với cái tên gần gũi, thân thương là cô Ba Khỏi, cô Ba “dầu cù là”.
Năm nay 76 tuổi, bà Khỏi cho biết, biệt danh “cô Ba dầu cù là” được bạn bè, đồng đội và người dân đặt cho là vì thấy tôi là người năng nổ, luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, việc gì có thể giúp ích cho quê hương là sẵn sàng, giống như dầu cù là “đau đâu là có thể xức đó ngay”.
Đất nước đã thống nhất và cũng đã 52 năm trôi qua kể từ chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1968, song với cô Ba Khỏi, ký ức đau thương, nhưng rất vẻ vang của cô cùng đồng đội vẫn vẹn nguyên.
“Như thường lệ, đúng 7 giờ tối hôm ấy, anh chị em đội dân công hỏa tuyến gồm 55 người tập trung để thực hiện nhiệm vụ. Trong lúc mọi người đang thay nhau cáng thương binh về Bình Thủy (Long An) theo hướng đồng bưng Láng Cát thì bất ngờ bị máy bay Mỹ rọi đèn sáng và phát hiện…Đoàn dàn thành hàng dọc, đi men theo gò bưng, có những đoạn nước ngập lên đến bụng. Đang bì bõm lội đi trong đêm, tôi nghe rõ tiếng người dẫn đầu la lớn: Tất cả dừng lại, máy bay Mỹ đang soi trên kênh, chúng đang quanh đầu xuống bưng… Tất cả chui vào đìa dứa. Tất cả nằm im…”- cô Ba Khỏi nhớ lại.
“Rồi sau đó, hai máy bay Mỹ lượn vòng vèo, soi đèn sáng cả vùng bưng và liên tiếp dội đạn xuống nơi 55 dân công và thương binh đang ẩn nấp. Sau đó là tiếng la hét, tiếng gọi nhau. Bị ngộp nước nên tôi cố ngoi đầu lên để thở. Quan sát nhanh thấy đèn máy bay đang rọi về hướng khác, tôi lấy sức vùng chạy và hét lớn: Ai còn sống thì chạy đi... Cánh đồng bưng biền bỗng chốc tan hoang, thi thể người nằm ngổn ngang”, cô Ba Khỏi xúc động hồi tưởng.
Cô Ba Khỏi cũng chia sẻ, thời đó, khi đưa thương binh về cứ, lúc xuống bưng có chỗ nước tới đầu gối, có chỗ ngập ngang bụng, mấy chị em phải giơ cáng lên đầu cho thương binh nằm trên không bị ướt. Đi làm nhiệm vụ, chị em ai cũng mặc hai áo, áo màu sáng bên trong, áo màu sẫm bên ngoài. Làm nhiệm vụ xong, khi trở về nhà có những lúc trời đã chuyển sáng, các cô sẽ cởi chiếc áo màu sẫm ra, bên trong là chiếc áo màu sáng như vừa đi chơi về để địch không nghi ngờ, không phát hiện được.
Ngoài ra, còn có những quy ước, mật hiệu để đồng đội gọi nhau, nhận ra nhau nếu chẳng may đi lạc, đến giờ cô Ba Khỏi vẫn nhớ. Đó là, người đi lạc đồng đội sẽ giả tiếng của gà gáy, chó sủa hay tiếng chim kêu. Đồng đội nghe được sẽ đáp lại bằng tiếng kêu tương tự, nhưng tổng số tiếng phải là 5 thì mới đúng là người của phe mình, ngược lại nhất định không phải là đồng đội, tìm cách tránh nhanh.
Đứng bên tượng đài Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968 (nằm trong Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 ở ấp 4, xã Vĩnh Lộc A hiện nay), cô Ba Khỏi chia sẻ, bây giờ tuổi cao lại bệnh nhiều nhưng cô nghĩ “sống được là quý rồi, có hòa bình là vui nhất”.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, cán bộ phụ trách Văn hóa-Xã hội của UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, sức khỏe mấy năm gần đây của cô Ba Khỏi giảm sút nhiều, song cô rất lạc quan và luôn tâm huyết với sự phát triển của quê hương. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri cô luôn chân tình đóng góp nhiều ý kiến để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Về phía địa phương, ngoài việc thực hiện kịp thời chế độ, chính sách cho người có công, mỗi khi cô Ba Khỏi đau yếu, đi bệnh viện điều trị, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân trong xóm ấp luôn cử người đến chăm sóc cô chu đáo./. (Còn tiếp).
Những nữ dân công quả cảm
Thực hiện Chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, đêm 1/1/1968, lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa được ban hành toàn miền Nam. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, để phục vụ đơn vị chiến đấu ở thành phố, tại Vĩnh Lộc, các đơn vị du kích được phân công từ trước, một số làm nhiệm vụ hướng dẫn các đơn vị vũ trang đánh vào thành phố, lực lượng còn lại cùng với Chi bộ ấp hướng dẫn nhân dân chuẩn bị lương thực tiếp tế cho bộ đội, chuẩn bị lực lượng dân công tải đạn, tải thương từ khu vực chiến trường đến huyện Bến Lức, Long An. Hàng trăm nam, nữ thanh niên Vĩnh Lộc lúc đó đã tham gia các đoàn dân công làm nhiệm vụ tải đạn, cáng thương, phá rào ấp chiến lược, đào đường, đào công sự.
Cô Nguyễn Thị Khỏi, sinh năm 1944, nữ dân công hỏa tuyến, người mà người dân Vĩnh Lộc thường gọi cô với cái tên gần gũi, thân thương là cô Ba Khỏi. Ảnh: Phan Minh Hưng/TTXVN |
Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Lộc A còn ghi: Trong đợt hai của chiến dịch Mậu Thân diễn ra từ ngày 5/5 đến 18/6/1968, hàng đêm đoàn dân công chia thành nhiều tốp tải đạn từ Đức Hòa (Long An) về Vĩnh Lộc để tiếp tế cho chiến trường nội thành và lại từ Vĩnh Lộc (Bình Chánh) đưa thương binh về Đức Hòa chuyển giao cho lực lượng khác đưa thương binh về hậu cứ điều trị. Việc tải đạn và đưa thương binh không hề đơn giản, vì các nữ dân công hỏa tuyến phải băng qua các đồng bưng ngập nước, những bụi dứa gai cào xước thịt da, phải quan sát thận trọng để kịp tránh những đợt oanh tạc bất ngờ của máy bay địch.
Vào đêm 15/6/1968, đoàn dân công Vĩnh Lộc có nhiệm vụ chuyển thương binh của Sư đoàn 9 từ bưng biền Láng Cát (Vĩnh Lộc, Bình Chánh) về Bình Thủy (Đức Hòa, Long An), sau đó, lượt về các dân công sẽ làm nhiệm vụ tải đạn.
Khoảng 22 giờ 30 phút đêm 15/6/1968, đoàn dân công tiến về Bình Thủy theo hướng cánh đồng bưng Láng Cát. Đoàn đi thành hàng dọc, men theo bờ kênh rất vất vả vì có những đoạn nước ngập lên đến bụng. Khi đoàn dân công đi đến đoạn góc bưng kênh Láng Cát, bất ngờ địch phát hiện, thả pháo sáng cả một vùng. Chúng đã lập tức xả đạn liên tiếp xuống đìa dứa.
Bà Nguyễn Thị Khỏi - người từng tham gia đoàn dân công chuyển thương binh và tải đạn đêm đó kể lại: Đạn của địch bắn như mưa xuống nơi đoàn dân công ẩn nấp, nước ở đồng bưng lúc đó không còn là nước mà lẫn trong đó là máu đỏ của thương binh và đoàn dân công chúng tôi.
Đêm hôm đó, 35 người đã hy sinh, trong đó có 32 người là dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, giữa lứa tuổi mười sáu, đôi mươi căng tràn sức trẻ. Mất mát, tang thương, nhưng người dân Vĩnh Lộc không nao núng. Đồng bào vẫn tiếp tục tham gia các đoàn dân công để phục vụ chiến trường, làm nên bản hùng ca Xuân 68, góp phần tiến tới thắng lợi của Mùa Xuân năm 1975.
Trong cuốn sách “Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968” do Đảng bộ huyện Bình Chánh biên soạn có những dòng rất xúc động tri ân sự hy sinh của các nữ dân công hỏa tuyến: “Trong thắng lợi ấy có cống hiến thầm lặng của những người dân công, những người ban ngày vui với đồng áng, cấy cày, đêm đến họ lên đường phục vụ cách mạng, theo bên họ không có một thứ vũ khí nào ngoài trái tim thiết tha mong hòa bình, độc lập”.
Cô Nguyễn Thị Khỏi - "cô Ba dầu cù là", nhân chứng sống của sự kiện đêm 15/6/1968 giới thiệu với phóng viên TTXVN về Di tích và tượng đài tưởng niệm các chiến sỹ và dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968. Ảnh: Phan Minh Hưng/TTXVN |
Cô Ba “dầu cù là”
Ký ức về sự kiện Vĩnh Lộc là nỗi đau, niềm tiếc thương đồng đội đã hy sinh, song cũng là động lực cho những người còn ở lại tiếp tục chiến đấu hoặc làm nhiệm vụ đưa thương binh về cứ hay đi tiếp lương, tải đạn. Một trong những nhân chứng từng tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, may mắn trở về sau đêm 15/6/1968 ấy chính là bà Nguyễn Thị Khỏi, người mà người dân Vĩnh Lộc thường gọi với cái tên gần gũi, thân thương là cô Ba Khỏi, cô Ba “dầu cù là”.
Năm nay 76 tuổi, bà Khỏi cho biết, biệt danh “cô Ba dầu cù là” được bạn bè, đồng đội và người dân đặt cho là vì thấy tôi là người năng nổ, luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, việc gì có thể giúp ích cho quê hương là sẵn sàng, giống như dầu cù là “đau đâu là có thể xức đó ngay”.
Đất nước đã thống nhất và cũng đã 52 năm trôi qua kể từ chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1968, song với cô Ba Khỏi, ký ức đau thương, nhưng rất vẻ vang của cô cùng đồng đội vẫn vẹn nguyên.
“Như thường lệ, đúng 7 giờ tối hôm ấy, anh chị em đội dân công hỏa tuyến gồm 55 người tập trung để thực hiện nhiệm vụ. Trong lúc mọi người đang thay nhau cáng thương binh về Bình Thủy (Long An) theo hướng đồng bưng Láng Cát thì bất ngờ bị máy bay Mỹ rọi đèn sáng và phát hiện…Đoàn dàn thành hàng dọc, đi men theo gò bưng, có những đoạn nước ngập lên đến bụng. Đang bì bõm lội đi trong đêm, tôi nghe rõ tiếng người dẫn đầu la lớn: Tất cả dừng lại, máy bay Mỹ đang soi trên kênh, chúng đang quanh đầu xuống bưng… Tất cả chui vào đìa dứa. Tất cả nằm im…”- cô Ba Khỏi nhớ lại.
“Rồi sau đó, hai máy bay Mỹ lượn vòng vèo, soi đèn sáng cả vùng bưng và liên tiếp dội đạn xuống nơi 55 dân công và thương binh đang ẩn nấp. Sau đó là tiếng la hét, tiếng gọi nhau. Bị ngộp nước nên tôi cố ngoi đầu lên để thở. Quan sát nhanh thấy đèn máy bay đang rọi về hướng khác, tôi lấy sức vùng chạy và hét lớn: Ai còn sống thì chạy đi... Cánh đồng bưng biền bỗng chốc tan hoang, thi thể người nằm ngổn ngang”, cô Ba Khỏi xúc động hồi tưởng.
Cô Ba Khỏi cũng chia sẻ, thời đó, khi đưa thương binh về cứ, lúc xuống bưng có chỗ nước tới đầu gối, có chỗ ngập ngang bụng, mấy chị em phải giơ cáng lên đầu cho thương binh nằm trên không bị ướt. Đi làm nhiệm vụ, chị em ai cũng mặc hai áo, áo màu sáng bên trong, áo màu sẫm bên ngoài. Làm nhiệm vụ xong, khi trở về nhà có những lúc trời đã chuyển sáng, các cô sẽ cởi chiếc áo màu sẫm ra, bên trong là chiếc áo màu sáng như vừa đi chơi về để địch không nghi ngờ, không phát hiện được.
Ngoài ra, còn có những quy ước, mật hiệu để đồng đội gọi nhau, nhận ra nhau nếu chẳng may đi lạc, đến giờ cô Ba Khỏi vẫn nhớ. Đó là, người đi lạc đồng đội sẽ giả tiếng của gà gáy, chó sủa hay tiếng chim kêu. Đồng đội nghe được sẽ đáp lại bằng tiếng kêu tương tự, nhưng tổng số tiếng phải là 5 thì mới đúng là người của phe mình, ngược lại nhất định không phải là đồng đội, tìm cách tránh nhanh.
Đứng bên tượng đài Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968 (nằm trong Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 ở ấp 4, xã Vĩnh Lộc A hiện nay), cô Ba Khỏi chia sẻ, bây giờ tuổi cao lại bệnh nhiều nhưng cô nghĩ “sống được là quý rồi, có hòa bình là vui nhất”.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, cán bộ phụ trách Văn hóa-Xã hội của UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, sức khỏe mấy năm gần đây của cô Ba Khỏi giảm sút nhiều, song cô rất lạc quan và luôn tâm huyết với sự phát triển của quê hương. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri cô luôn chân tình đóng góp nhiều ý kiến để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Về phía địa phương, ngoài việc thực hiện kịp thời chế độ, chính sách cho người có công, mỗi khi cô Ba Khỏi đau yếu, đi bệnh viện điều trị, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân trong xóm ấp luôn cử người đến chăm sóc cô chu đáo./. (Còn tiếp).
Thanh Trà - Minh Hưng - Hồng Nhung
Bài 3: Xây dựng nông thôn mới trên quê hương cách mạng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN