Những điệu múa dân gian độc đáo ở Cao Bằng

Những điệu múa dân gian độc đáo ở Cao Bằng
Điệu múa chầu của người dân tộc Tày
Điệu múa chầu của người dân tộc Tày

Người Tày ở tỉnh Cao Bằng có khá nhiều điệu múa, như: Múa sluông, múa chầu tại xã Trọng Con (huyện Thạch An); múa nhận cỗ và tản hoa trong lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành  huyện Phục Hòa)...
 
Múa sluông là điệu múa tập thể mô phỏng động tác chèo thuyền của những người phu đưa đoàn nhà quan quân, nhà then, trảy đàng lên thiên đình. Động tác là những cái khoát tay đập chân nhịp nhàng, đơn giản dứt khoát để cộng lực đẩy con thuyền tiến nhanh phía trước. Múa chầu có 3 tư thế múa đứng, múa ngồi và múa lãn. Trong lễ hội cấp sắc then khi giáo sinh được sư phụ ban sắc phục, cấp chứng chỉ, đặt pháp danh xong người đó có phẩm tước trong hàng đạo giáo. Bạn hữu, đồng liêu và các môn sinh múa mừng, mô phỏng các động tác chầu trong cung đình. Ngoài ra, người Tày còn có điệu múa đàn cũng nằm trong lễ cấp sắc then. Tập thể mừng vui múa theo đội hình đan kép, đan ba vừa đánh đàn vừa xóc nhạc, tiết tấu nhịp ba mạch lạc, dứt khoát. Trong lễ hội Nàng Hai có điệu múa nhận cỗ và tản hoa gồm các động tác vẫy, bưng nhận các mâm cỗ dâng lên thượng giới. Sau đó vừa có động tác tung hoa, dùng chân gạt các bông hoa, biểu hiện cuộc vui đã đến tuần kết, tiễn đưa hồn các nàng trăng trở về thiên đình. 
 
Múa kỳ lằn của người Nùng ở xã Tri Phương (huyện Trà Lĩnh) được biểu diễn tại lễ hội xuân hằng năm của xã. Múa kỳ lằn khác với múa lân hay sư tử vì chỉ có một người rất gọn nhẹ và linh hoạt. Các điệu múa thay đổi theo lễ nghi diễn ra tại lễ hội: Chào bàn thờ thần thì nhẹ nhàng để tỏ lòng tôn kính; khi đón kỳ lằn khác thì vươn cao mừng vui; khi chồm lên mạnh mẽ nếu phải đấu tranh quyết liệt, hòa theo hồi trống, thanh la... tạo nên không khí lễ hội vui tươi và thu hút người xem vào những điệu múa uyển chuyển, đẹp mắt của kỳ lằn.
 
Người Dao có điệu múa ba ba chũm chọe và múa chuông diễn tả cảnh sinh hoạt, niềm vui trở về cố hương bản hộ của thủ lĩnh người Dao xưa. Các điệu múa này chỉ được thực hiện trong lễ tẩu sai, quá tang..
.
Người Mông thường múa khèn khi có đám tang, đám giỗ hoặc trình diễn trong lễ hội. Động tác múa khèn rất đa dạng, như: Múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc…, với tốc độ càng nhanh càng điêu luyện. Đối với các bài khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu, mà tiếng khèn vẫn không dứt. Trong đó, điệu múa ong hút nhuỵ và đá gà là hai điệu múa đặc trưng của người Mông trên địa bàn tỉnh. Múa ong hút nhuỵ với động tác đặc trưng xoay vòng trên một chân tại chỗ, miệng thổi khèn mang âm thanh vọng tựa đang say sưa hút mật. Còn điệu múa đá gà có tư thế ngồi xổm trên một chân, một chân duỗi thẳng đằng trước hoặc hất ngược về phía sau. Động tác điêu luyện vừa nhanh vừa dứt khoát.
 
Múa trống đồng trong tang lễ của người Lô Lô nhằm đánh thức vong linh người mất và dẫn về tổ tông. Người thân đi vòng quanh trống đồng, một tay cầm chày dài, một tay đưa phải rồi đưa trái, xoay người đâm vào mặt trống. Động tác vòng quanh trống lặp đi lặp lại, sau nhát đâm xuống mặt trống lại thêm một nhát gõ vào tang trống.
 
Điểm qua một số điệu múa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số nêu trên có thể thấy, với đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn Cao Bằng múa dân gian là một trong những hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú góp phần tạo nên diện mạo văn hóa - văn nghệ đặc trưng của từng dân tộc. 
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm