Nhân rộng những mô hình liên kết "4 nhà"

Nhân rộng những mô hình liên kết "4 nhà"

Mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất lúa là chuỗi liên kết giữa nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà nông đã phát huy hiệu quả đáng kể và đang được nhân rộng tại Tây Ninh. Qua đó, đảm bảo lợi ích của người nông dân trong bối cảnh vật tư nông nghiệp đang tăng cao; đồng thời tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất lúa ổn định và bền vững.

Ông Phan Văn Lo, có hơn 1,5 ha trồng lúa tại ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết, người nông dân trồng lúa hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, do giá thành vật tư nông nghiệp gần như tăng gấp đôi, gấp ba so với những năm trước, trong khi giá lúa vẫn như giữ, đôi khi còn thấp hơn trước.

Ông Bùi Văn Tâm, ngụ ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho hay, đầu năm 2021 một bao 50kg phân bón hợp chất chuyên bón cho cây lúa chỉ có giá khoảng hơn 500 nghìn đồng, nhưng nay đã hơn 1 triệu đồng/bao, nên chi phí cho mỗi ha lúa cũng tăng từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/ha. Cũng theo ông Tâm, lợi nhuận từ cây lúa vốn dĩ đã thấp hơn so với các loại cây trồng khác, thì nay lại càng thêm khó khăn hơn.

Nhân rộng những mô hình liên kết "4 nhà" ảnh 1 Đại diện Hợp tác xã nông nghiệp tại xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh trao đổi chất lượng lúa liên kết với đại diện Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (áo xanh). Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Ông Cao Văn Thả, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Bình, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2018, trước tình trạng canh tác ngày càng khó khăn của cây lúa, nên ông cùng nhiều bà con nông dân đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Bình để liên kết lại, tìm các doanh nghiệp lớn, có uy tín ký kết bao tiêu sản xuất lúa, nhằm đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân.

Từ ngày Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Bình ký kết với Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (khoảng 2 năm) theo hình thức bao tiêu từ cung cấp giống lúa, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác và thu mua lại toàn bộ số lúa làm ra của bà con nông dân là thành viên của hợp tác xã, nên người dân đã đảm bảo ổn định được lợi nhuận, từ khi thấy được lợi ích nên họ đã xin tham gia vào hợp tác xã ngày càng đông và nay đã có trên 50 thành viên.

Hiện tại, để kéo giảm chi phí đầu vào cho các thành viên, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Bình sẽ liên kết với Công ty Lộc Trời triển khai phun thuốc bằng máy bay không người lái, nhằm giúp giảm thiểu chi phí nhân công cho bà con, cũng như tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với giá cả phân bón, hợp tác xã cũng liên tục đàm phán với bên Lộc Trời để có giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn bên ngoài thị trường từ 20-100 nghìn đồng/sản phẩm vật tư nông nghiệp tùy loại.

Tại Tây Ninh, trong hai năm gần đây Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời đã liên kết với 8 hợp tác xã và 7 tổ hợp tác, với tổng diện tích hơn 1.153 ha, năng suất trung bình đạt trên 8 tấn/ha. Trong khi bà con tự sản xuất bên ngoài không tham gia vào chuỗi liên kết năng suất chỉ đạt từ 6-7 tấn/ha.

Nhân rộng những mô hình liên kết "4 nhà" ảnh 2Lúa sau khi nông dân thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá thu mua ngang bằng thị trường. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Ông Phạm Thanh Nhân, Giám đốc khu vực Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước thuộc Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời cho biết, theo chính sách ký kết giữa công ty với các hợp tác xã, tổ hợp tác, Lộc Trời sẽ đầu tư cho bà con và cho nợ từ đầu đến cuối vụ như giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đặc biệt đến cuối vụ công ty thu mua toàn bộ số lúa mà bà con sản xuất được theo giá thị trường, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của công ty và không ảnh hưởng đến lợi ích của bà con nông dân.

Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị thường xuyên vận động nông dân, khi có doanh nghiệp đến ký kết bao tiêu sản xuất lúa thì nên thông báo cho trung tâm hoặc Chi cục bảo vệ thực vật để các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát những công ty này; đảm bảo việc ký kết có độ uy tín cao, cũng như rà soát nội dung ký kết trong hợp đồng, tránh trường hợp nội dung hợp đồng không rõ ràng, dẫn đến thiệt hại cho người nông dân sau này.

“Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đang phối hợp với 1 số đơn vị thử nghiệm mô hình lúa cá, lúa tôm trên mô hình lúa hữu cơ, để triển khai cho nông dân tăng thêm thu nhập trên mỗi ha lúa. Việc liên kết 4 nhà, Nhà nước đã hỗ trợ chính sách ưu đãi lãi vay cho các hợp tác xã (đại diện cho người nông dân vay vốn); chính sách mô hình khuyến nông hỗ trợ về giống, vật tư; khuyến khích người dân triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, bao tiêu sản phẩm từ cây lúa”, ông Tùng, nhấn mạnh.

Tổng diện tích trồng lúa ở Tây Ninh hiện nay đạt khoảng trên 40.000 ha, tập trung ở các huyện chính như Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng; còn các địa phương khác là lúa 1 vụ, chủ yếu trồng vào mùa mưa (vụ mùa). Hiện có 3 công ty cùng tham gia bao tiêu sản phẩm cho cây lúa, với tổng diện tích đạt trên 3.000 ha.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm nông nghiệp đầu ra khó tăng tương xứng; vì vậy, liên kết "4 nhà" càng có ý nghĩa quan trọng, cần được củng cố chặt chẽ hơn nữa, tiếp tục giúp cho người nông dân nâng cao giá trị sản xuất nông sản, tăng thu nhập.

Phạm Thanh Tân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm