Trà Vinh: Phát triển mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản để ứng phó với tác động xấu của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình nắng nóng gay gắt như hiện nay. Mô hình sản xuất này vừa đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế vừa tạo sự bền vững hệ sinh thái vùng ngập mặn của tỉnh.

vna_potal_anh_kem_bai_nuoi_thuy_san_ket_hop_trong_rung-_mo_hinh_sinh_ke_ben_vung_cua_nguoi_dan_xa_dao_tra_vinh_7320350.jpg
Mô hình nuôi tôm, cua dưới tán rừng của gia đình ông Huỳnh Công Lý, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh có khoảng 5.700 ha được nông dân ở các huyện vùng ven biển Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành tổ chức nuôi kết hợp rừng – tôm cùng một số loài cá sống vùng nước mặn và lợ. Tỉnh còn có hơn 5.120 ha rừng giao khoán chăm sóc, bảo vệ được người dân và các tổ chức nhận khoán nuôi kết hợp tôm, cá, vọp, sò huyết, cua biển dưới chân rừng đem lại nguồn thu nhập khá cao. Bình quân mô hình sản xuất rừng – thủy sản đem lại cho nông dân nguồn lãi ròng từ 120 – 130 triệu đồng/ha/năm.

Ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết, toàn huyện hiện đã có khoảng hơn 1.000 hộ dân sản xuất mô hình rừng – tôm – cá, với tổng diện tích hơn 865 ha. Mô hình sản xuất này nông dân không lo dịch bệnh, rủi ro xảy ra, nguồn khai thác tôm, cá, cua,… quanh năm. Lợi thế mô hình rừng – thủy sản là nông dân giảm đến hơn 80% chi phí thức ăn, chủ động trong thu hoạch để chọn lựa tôm, cá đạt kích cỡ loại I bán được giá cao, không bị động thu hoạch khi gặp giá thị trường giảm thấp. Do tôm, cá được nuôi sinh thái nên được thương lái đặt hàng thu mua cao hơn từ 20–30% so với sản phẩm nuôi công nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Tài, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình đã thực hiện mô hình rừng - tôm qua 6 năm nay. Với diện tích 4 ha được ông bố trí đào ao và trồng các loại cây rừng như đước, sú, mắm, theo tỷ lệ 40 % rừng – 60 % mặt nước ao để tạo bóng mát và làm nơi trú ngụ cho tôm cùng các loài thủy sản khác. Với diện tích ao được bố trí, mỗi năm ông thả nuôi khoảng 50.000 con tôm sú giống và 6.000 con cua biển giống. Toàn bộ quá trình nuôi chỉ bỏ vốn mua con giống, chi phí thức ăn không đáng kể nên thu nhập mỗi năm khoảng trên 350 triệu đồng. Ngoài ra, trên diện tích đất trồng rừng, ông còn thả nuôi thêm vọp, sò huyết cho thêm thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.

Theo ông Trần Trường Giang, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân giữ vững diện tích nuôi kết hợp rừng – thủy sản và tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rừng nuôi kết hợp thủy sản này. Tỉnh quy hoạch hơn 23.980 ha đất vùng ven biển để bố trí phát triển diện tích rừng khoảng 12.250 ha, diện tích còn lại gần 11.730 ha bố trí dành cho nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh đã thực hiện Dự án Đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2021-2025) với diện tích trồng mới khoảng 800 ha rừng để nâng độ che phủ rừng đạt tỷ lệ 4,2 % vào năm 2025. Diện tích rừng trồng mới sẽ được tỉnh thực hiện giao khoán cho hộ dân và tổ chức chăm sóc bảo vệ kết hợp phát triển mô hình nuôi thủy sản dưới chân rừng để tạo nguồn thu nhập cho người dân, góp phần tăng thêm giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh đang thực hiện chính sách khuyến khích người dân trồng rừng để phát triển diện tích sản xuất rừng – thủy sản. Chính sách của tỉnh nhằm góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, vừa tạo sinh kế bền vững cho hộ dân vùng ven biển, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo. Theo đó, hộ nông dân và các tổ chức khi trồng rừng (cây đước) trên đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp theo các quy định của pháp luật hiện hành đạt diện tích từ 0,3 ha trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% tiền mua cây giống, nhưng không quá 37 triệu đồng/ha.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm