Nhằm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, năm 2024, tỉnh Trà Vinh khuyến khích các địa phương ven biển áp dụng các chính sách ưu đãi, mời gọi doanh nghiệp đầu tư, khai thác khoảng 50.000 ha đất ven biển và 15.000 ha đất bãi bồi, cồn nổi để nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, việc nuôi trồng thuỷ sản được triển khai theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, tạo giá trị gia tăng, gắn công nghiệp chế biến với thị trường xuất khẩu.
Về phía ngành nông nghiệp tỉnh rà soát lại quy hoạch, ưu tiên phân bổ và có chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ trong nuôi thuỷ sản, để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Con nuôi thủy sản khuyến khích nông dân lựa chọn các loài có giá trị kinh tế cao.
Cùng với đó, tỉnh tổ chức thực hiện các dự án nghiên cứu sản xuất nguồn con giống chất lượng cao. Ngoài con tôm, tỉnh hỗ trợ khuyến khích nông dân đa dạng các con nuôi như: nghêu, cua biển, sò huyết..
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 15.000ha nuôi thuỷ sản thâm canh theo hướng sạch, có chỉ dẫn địa lý; trong đó, có 1.100ha nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, các loài nhuyễn thể.
Theo ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, lĩnh vực nuôi trồng của tỉnh ngày càng phát triển, nhưng lĩnh vực khai thác thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đánh bắt hải sản trên biển.
Tỉnh hiện có tổng số tàu cá đã đăng ký là 879 tàu; trong đó, có 272 tàu có chiều dài từ 15m trở lên và 607 tàu có chiều dài dưới 15m khoảng. Phần nhiều tàu cá đánh bắt thủy sản gần bờ sử dụng phương tiện, ngư cụ theo phương thức truyền thống, do thiếu nguồn vốn đầu tư để hiện đại hóa phương tiện nên hiệu quả đánh bắt rất thấp. Tổng sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh từ đầu năm đến nay chỉ đạt hơn 45.240, giảm 3.270 tấn so cùng kỳ.
Hiện, tính đến đầu tháng 12/2023, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt đạt gần 220.000 tấn, tăng hơn 14.520 tấn so cùng kỳ năm 2022; trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản hơn 174.430 tấn.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, sản lượng thủy sản của tỉnh tăng chủ yếu nhờ diện tích nuôi trồng tăng ở cả 3 vùng nước ngọt, mặn và lợ.
Từ đầu năm 2023, nhiều nông dân trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa, trồng mía kém hiệu quả sang đa dạng con nuôi thủy sản. Nhiều diện tích ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng được bố trí nuôi thâm canh mật độ cao; bố trí nuôi luân canh 2 vụ tôm thẻ - 1 vụ cua biển hoặc nuôi xen canh tôm cá theo hình thức quảng canh…
Cụ thể, ở vùng nước mặn và lợ, nông dân thả nuôi hơn 7 tỷ con giống, với diện tích hơn 55.270 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng hơn 32.630 ha; diện tích nuôi cua biển hơn 23.100 ha. Tổng sản lượng thu hoạch thủy sản nuôi trồng vùng nước mặn lợ đạt 97.300 tấn, cao hơn cùng kỳ 10.655 tấn.
Ở vùng nước ngọt, năm 2023, nông dân phát triển nhiều mô hình trồng lúa, mương vườn kết hợp nuôi tôm càng xanh, các loại cá nước ngọt, nuôi chuyên canh cá lóc… với tổng diện tích hơn 4.975 ha. Tổng sản lượng thu hoạch hơn 77.125 ha, tăng so cùng kỳ 3.866 tấn; trong đó, sản lượng cá lóc thu hoạch 53.910 tấn, sản lượng cá tra hơn 11.607 tấn.
Phúc Sơn