Trà Vinh: Mô hình chuyên rau màu cho thu nhập 130 triệu đồng/ha/năm

Chăm sóc vườn rau muống trồng trong nhà lưới tại xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN
Chăm sóc vườn rau muống trồng trong nhà lưới tại xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, năm 2023, việc chuyển đổi đất trồng mía, trồng lúa kém hiệu quả kinh sang nuôi thủy sản, cây ăn trái và chuyên rau màu đã đem lại nguồn thu nhập cao gấp 2 - 3 lần cho nông dân. Đặc biệt, mô hình trồng chuyên rau màu thực phẩm cho nông dân thu nhập 120 - 130 triệu đồng/ha/năm.

Trà Vinh: Mô hình chuyên rau màu cho thu nhập 130 triệu đồng/ha/năm ảnh 1Vườn ớt trồng trong nhà lưới của gia đình anh Thạch Rạch Ta Na (bên phải), tại xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN

Ông Kiên Ngươn, hộ chuyên trồng rau màu ở xã Hoà Lợi, huyện Châu Thành cho biết, gia đình ông có 2.000 m2 đất trước đây trồng lúa được chuyển sang chuyên trồng rau màu từ 3 năm nay. Bình quân, giá rau màu như: ớt, cà chua, dưa leo, cải xanh, rau thơm các loại trong năm 2023 từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, gia đình ông có thu nhập hàng tháng khoảng 25 triệu đồng từ 2.000 m2 đất.

Đầu năm 2023, theo khuyến khích và hỗ trợ của ngành nông nghiệp và kỹ thuật, gia đình ông đầu tư 120 triệu đồng xây dựng nhà lưới bao che và hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích 2.000 m2 trồng rau màu. Có nhà lưới cùng với kỹ thuật trồng rau màu cho sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng sản phẩm đều tăng cho gia đình tăng thêm thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng

Trà Vinh: Mô hình chuyên rau màu cho thu nhập 130 triệu đồng/ha/năm ảnh 2Chăm sóc vườn rau muống trồng trong nhà lưới tại xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN

Ông Kiên Ngươn chia sẻ, vào mùa mưa bão trồng cây rau màu thực phẩm thường bị nhiễm sâu bệnh, dễ bị ngập nước thối rễ, nhất bệnh thối lá, thán thư,.. Nhưng nhờ có nhà lưới bao che, sử dụng màng phủ nông nghiệp, nên rau màu trồng không bị thiệt hại do mưa kéo dài, hạn chế rất rất nhiều tình trạng sâu bệnh gây hại, tiết kiệm một nguồn chi phí lớn về thuốc bảo vệ thực vật phun xịt trị sâu hại. Đặc biệt, sản phẩm rau màu khi thu hoạch đạt chất lượng, gặp đúng thời điểm thị trường mưa bão kéo dài, khan hiếm nguồn cung, giá cao rau màu tăng cao, thu nhập tăng thêm gấp 2 – 3 lần.

Ông Kim Thịnh, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành cho biết, gia đình ông có 02 công đất chuyên trồng các loại rau, cải bán hàng ngày, tùy theo mùa vụ, thời tiết ông lựa chọn trồng các loại rau cho phù hợp. Năm 2022, ông được Ngành nông nghiệp huyện khuyến khích, hỗ trợ vay 100 triệu đồng đầu tư 01 nhà lưới và hệ thống tưới nước nhỏ giọt để trồng màu.

Nhờ có nhà lưới bao che, sử dụng hệ thống tưới phun nước tự động tiết kiệm, rau màu cho năng suất, chất lượng tốt, rau bán được giá hơn từ 15 - 20 % so rau màu trồng bình thường, một năm gia đình ông có thu nhập ổn định từ rau màu hơn 120 triệu đồng.

Trà Vinh: Mô hình chuyên rau màu cho thu nhập 130 triệu đồng/ha/năm ảnh 3Vườn ớt trồng trong nhà lưới của gia đình anh Thạch Rạch Ta Na tại xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tỉnh đang đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng cây màu; nhất là chọn mô hình trồng rau màu thực phẩm trong nhà lưới, cho sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tăng thu nhập cho nông dân.

Đối với hộ nông dân thực hiện các mô hình sản xuất đảm bảo tính hiệu quả bền vững được ngành nông nghiệp tỉnh ưu tiên hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư mua sắm các thiết bị, máy móc, xây dựng cơ sở vật chất.

Tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu đến năm 2025, nâng giá trị sản xuất đất trồng trọt của tỉnh thêm 15 triệu đồng/ha, đạt mức bình quân 145 triệu đồng/ha/năm. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh đã công bố quy hoạch từng vùng sản xuất, danh mục các loại cây trồng phù hợp với đất đai, nhu cầu của thị trường và giá trị kinh tế của sản phẩm nhằm khuyến khích nông dân tập trung thực hiện sản xuất.


Phúc Sơn





(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm