Trà Vinh: Hợp tác xã đồng hành cùng nông dân Khmer

Trà Vinh: Hợp tác xã đồng hành cùng nông dân Khmer

Những năm qua, dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều hợp tác xã ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) vẫn tạo được dấu ấn rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer…

Trà Vinh: Hợp tác xã đồng hành cùng nông dân Khmer ảnh 1Đồng bào Khmer thu hoạch bí rợ ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang. Ảnh: Phúc Thanh

Là một trong những hợp tác xã (HTX) điển hình của huyện Cầu Ngang, HTX nông nghiệp Ngọc Thạch ở xã Nhị Trường hiện có 40 thành viên (hơn 90% là đồng bào dân tộc Khmer), chuyên cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cây giống. Theo anh Thạch Dươne, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Thạch: “Được thành lập từ năm 2019 với 10 thành viên ban đầu nhưng nhờ cách làm sáng tạo, biết đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên nông dân tham gia HTX ngày càng nhiều. HTX hiện có tổng diện tích sản xuất khoảng 100 ha, chuyên trồng lúa, ngô giống và các loại rau màu”.

Trà Vinh: Hợp tác xã đồng hành cùng nông dân Khmer ảnh 2Ông Thạch Dươne, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch (bên trái) hướng dẫn thành viên của Hợp tác xã cách thức trồng lúa hữu cơ chất lượng cao. Ảnh: Thanh Hòa

Tham gia HTX nông nghiệp Ngọc Thạch, nông dân được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 20 - 30%… Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng đáng kể. Bình quân, mỗi hecta lúa cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/vụ, rau màu là 30 - 35 triệu đồng/ vụ, cao hơn từ 5 - 10 triệu đồng/vụ so với khi chưa tham gia HTX. HTX nông nghiệp Ngọc Thạch còn chia lợi nhuận 12,5%/năm cho các thành viên theo tỷ lệ góp vốn; đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày.

Trà Vinh: Hợp tác xã đồng hành cùng nông dân Khmer ảnh 3Được hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm…, nhiều hộ nông dân xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang đã có lợi nhuận từ 40 - 100 triệu đồng/ha/vụ. Ảnh: Thanh Hòa

Tận dụng lợi thế đất giồng cát, đất ruộng gò cao, nhiều nông dân xã Long Sơn đã mạnh dạn tham gia mô hình HTX, đẩy mạnh trồng các loại cây màu như: ớt chỉ thiên, bầu, bí, dưa hấu… Được hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm…, nhiều hộ đã có lợi nhuận từ 40 - 100 triệu đồng/ha/vụ. Đời sống cải thiện, đồng bào tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương, góp phần cùng Long Sơn đạt chuẩn NTM vào giữa năm 2022.

Trà Vinh: Hợp tác xã đồng hành cùng nông dân Khmer ảnh 4Được hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm…, nhiều hộ nông dân xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang đã có lợi nhuận từ 40 - 100 triệu đồng/ha/vụ. Ảnh: Thanh Hòa
Trà Vinh: Hợp tác xã đồng hành cùng nông dân Khmer ảnh 5Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh huyện Cầu Ngang thực hiện tốt công tác cho vay vốn dành cho hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số để cải thiện, nâng cao đời sống. Ảnh: Phúc Thanh

Ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Ngang cho biết: Cầu Ngang hiện có 26 hợp tác xã, trong đó có nhiều HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả, vừa giúp nâng cao giá trị nông sản, vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn. Hiện thu nhập bình quân của huyện đạt 64,26 triệu đồng/người/năm, tăng 51,55 triệu đồng/ người/năm so với cuối năm 2010. Cầu Ngang cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn huyện NTM.

Thanh Hòa

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm