Phát huy vai trò cầu nối trong liên kết sản xuất nông nghiệp

Phát huy vai trò cầu nối trong liên kết sản xuất nông nghiệp

Tỉnh Trà Vinh hiện có 120 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động với gần 6.300 thành viên, vốn điều lệ trên 78,5 tỷ đồng. Những năm gần đây, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã có những “điểm sáng”. Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả giúp tăng lợi nhuận đáng kể cho thành viên, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

*Đồng hành cùng nông dân Khmer

Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang) thành lập cuối năm 2019 chỉ với 10 thành viên ban đầu là các hộ Khmer ở ấp Bông Ven, tổng vốn điều lệ 300 triệu đồng. Hợp tác xã chuyên cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, cây giống, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Anh Thạch Dươne, sinh năm 1985, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch xuất thân trong gia đình thuần nông, là kỹ sư nông nghiệp và thạc sĩ chuyên ngành bảo vệ thực vật. Trải qua thời gian dài học tập, nghiên cứu ở lĩnh vực nông nghiệp, cùng thâm niên làm việc về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật 13 năm, nên giám đốc Thạch Dươne có tư duy, cách làm rất sáng tạo, thích nghi với cơ chế thị trường, biết "thắt chặt" liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị nông sản cho thành viên hợp tác xã.

Hiện tại, thành viên hợp tác xã lên đến 40 người, với tổng vốn điều lệ 600 triệu đồng (hơn 90% thành viên là dân tộc Khmer). Tổng diện tích sản xuất của hợp tác xã khoảng 100 ha; trong đó, 50 ha trồng lúa, 20 ha trồng lúa hữu cơ, 20 ha trồng ngô giống, diện tích còn lại trồng rau màu các loại…

Phát huy vai trò cầu nối trong liên kết sản xuất nông nghiệp ảnh 1Ông Thạch Dươne, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch(bên trái) hướng dẫn thành viên của Hợp tác xã cách thức trồng lúa hữu cơ chất lượng cao. Ảnh: Thanh Hòa

Hợp tác xã có 2.500 m2 chuyên sản xuất cây giống các loại cung cấp cho thành viên. Nông dân tham gia Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch được cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, giá thấp nên giảm thiểu được chi phí sản xuất. Đặc biệt, anh Thạch Dươne trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đạt năng suất cao; thông qua hợp tác xã, toàn bộ nông sản của thành viên sau khi thu hoạch đều được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 20-30% nên lợi nhuận nông dân tăng đáng kể.

Bình quân mỗi ha trồng lúa cho lợi nhuận 20 triệu đồng/vụ, trồng màu từ 30-35 triệu đồng/vụ; cao hơn từ 5-10 triệu đồng/vụ so với khi chưa tham gia hợp tác xã. Ngoài ra, thành viên hợp tác xã còn được chia lợi nhuận 12,5%/năm theo mức góp vốn. Hiện tại, hợp tác xã giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương 200.000 đồng/ngày và 10 lao động thời vụ, với thu nhập từ 300.000-400.000 đồng/ngày.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch cho biết, riêng lúa thương phẩm, mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường gần 1.200 tấn. Vụ Hè Thu năm nay, hợp tác xã trồng thử nghiệm 20 ha lúa hữu cơ, sắp đến thời điểm thu hoạch. Mô hình thành công sẽ mở hướng đi mới cho hợp tác xã, bởi sản xuất hữu cơ là xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, hợp tác xã đang hoàn thiện thủ tục cấp mã số vùng trồng cho cây lúa để hướng đến liên kết xuất khẩu.

Cùng với việc tiếp tục vận động nông dân tham gia hợp tác xã để mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, hợp tác xã cũng đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã khác nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị nông sản; phối hợp với Công ty Giống cây trồng miền Nam nghiên cứu các cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để đạt năng suất cao hơn.

Phát huy vai trò cầu nối trong liên kết sản xuất nông nghiệp ảnh 2Bà con Khmer thu hoạch bí rợ ở ấp Huyền Đức, xã Long sơn (Cầu Ngang, Trà Vinh). Ảnh: Phúc Thanh

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang Lê Văn Phi cho biết, thời gian qua, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới địa phương. Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch là một trong 6 hợp tác xã trên địa bàn huyện được đánh giá khá hiệu quả nhờ hoạt động đúng bản chất, có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường.

Cùng đó, hợp tác xã đã làm tốt việc tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên giá trị nông sản tăng đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn địa phương. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 64,26 triệu đồng/người/năm, tăng 51,55 triệu đồng/người/năm so với cuối năm 2010. Mới đây, Cầu Ngang vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

* Thúc đẩy liên kết

Tỉnh Trà Vinh có kinh tế chủ lực là nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp hơn 186.000 ha, chiếm 79% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh ở quy mô nhỏ, lẻ, manh mún nên nông sản Trà Vinh rất khó cạnh tranh trên thị trường do chi phí sản xuất cao; đặc biệt là dễ xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Vì vậy, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh đang tích cực vận động nông dân tham gia hợp tác xã, thắt chặt liên kết sản xuất theo chuỗi để mang lại giá trị bền vững và thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Hợp tác xã nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối trong thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện nay, nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở Trà Vinh đã thích nghi với cơ chế thị trường, tạo liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên, góp phần nâng cao đời sống nông dân.

Tuy nhiên, số lượng hợp tác xã hoạt động hiệu quả vẫn còn khá “khiêm tốn”. Qua rà soát, đánh giá phân loại hợp tác xã của ngành nông nghiêp tỉnh theo Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT, trong số hơn 100 hợp tác xã nông nghiệp đủ điều kiện đánh giá, chỉ có khoảng 10% hợp tác xã xếp loại tốt và hơn 40% hợp tác xã xếp loại khá; số còn lại chỉ được xếp loại trung bình và yếu.

Để vận động các hợp tác xã tham gia phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chính sách này đã được HĐND tỉnh cụ thể hoá bằng Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018. Đây là điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tỉnh mở rộng diện tích sản xuất, gắn kết bằng cơ sở pháp lý thông qua hợp đồng liên kết nhằm giảm thiểu rủi ro, giúp nông sản của nông dân có thị trường tiêu thụ bền vững.

Phát huy vai trò cầu nối trong liên kết sản xuất nông nghiệp ảnh 3Hợp tác xã Quýt đường Thuận Phú (xã Bình Phú, huyện Càng Long) là một trong những hợp tác xã vừa được hỗ trợ bộ nhận dạng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm quýt đường. Ông Nguyễn Văn Chừa, thành viên Hợp tác xã Quýt đường Thuận Phú có vườn quýt đường 0,4 ha. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã có 4 dự án và 1 kế hoạch được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 178,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 2 tỷ đồng và đã giải ngân được hơn 1,3 tỷ đồng.

Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Hoà (huyện Cầu Ngang) được tiếp cận chính sách trên với mô hình: Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp “lúa hàng hoá”, với 155 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 220 ha; liên kết với doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm của hợp tác xã.

Ông Nguyễn Trung Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Hoà cho biết, tham gia mô hình, thành viên hợp tác xã được hỗ trợ một phần chi phí lúa giống. Điều an tâm là nông dân không còn cảnh bị thương lái ép giá như trước, toàn bộ lúa hàng hoá của thành viên hợp tác xã đều được doanh nghiệp thu mua theo giá thị trường nhưng đảm bảo không thấp hơn 6.500 đồng/kg.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang kinh tế nông nghiệp, xu thế tất yếu phải phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Phát huy vai trò cầu nối trong liên kết sản xuất nông nghiệp ảnh 4Nhờ tham gia mô hình hợp tác xã với mô hình trồng ớt đến nay gia đình bà Thạch Thị Sô Kha, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang đã thoát nghèo. Ảnh: Thanh Hòa

Ngoài ra, ngành cũng đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hỗ trợ hợp tác xã tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương mở các lớp tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thanh Hoà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm