Những năm qua, dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) vẫn cho thấy dấu ấn đậm nét trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Khmer.
Toàn huyện Cầu Ngang hiện có 26 hợp tác xã, trong đó điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang) thành lập cuối năm 2019 chỉ với 10 thành viên ban đầu là các hộ Khmer ở ấp Bông Ven, tổng vốn điều lệ 300 triệu đồng. Hợp tác xã chuyên cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, cây giống, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Ông Thạch Dươne, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch(bên trái) hướng dẫn thành viên của Hợp tác xã cách thức trồng lúa hữu cơ chất lượng cao. Ảnh: Thanh Hòa
Anh Thạch Dươne, sinh năm 1985, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch xuất thân trong gia đình thuần nông, là kỹ sư nông nghiệp và thạc sĩ chuyên ngành bảo vệ thực vật. Trải qua thời gian dài học tập, nghiên cứu ở lĩnh vực nông nghiệp, cùng thâm niên làm việc về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật 13 năm, nên Giám đốc Thạch Dươne có tư duy, cách làm rất sáng tạo, thích nghi với cơ chế thị trường, biết "thắt chặt" liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị nông sản cho thành viên hợp tác xã. Vì vậy, nông dân địa phương tham gia Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch ngày càng nhiều.
Hiện, thành viên Hợp tác xã lên đến 40 người, với tổng vốn điều lệ 600 triệu đồng (hơn 90% thành viên là người dân tộc Khmer). Tổng diện tích sản xuất của hợp tác xã khoảng 100 ha; trong đó, 50 ha trồng lúa, 20 ha trồng lúa hữu cơ, 20 ha trồng ngô giống, diện tích còn lại trồng rau màu các loại…
Hợp tác xã có 2.500 m2 chuyên sản xuất cây giống các loại cung cấp cho thành viên. Nông dân tham gia Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch được cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, giá thấp nên giảm thiểu được chi phí sản xuất. Đặc biệt, anh Thạch Dươne trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để đạt năng suất cao; thông qua hợp tác xã, toàn bộ nông sản của thành viên sau khi thu hoạch đều được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 20-30% nên lợi nhuận nông dân tăng đáng kể. Bình quân mỗi ha trồng lúa cho lợi nhuận 20 triệu đồng/vụ, trồng màu từ 30-35 triệu đồng/vụ; cao hơn từ 5-10 triệu đồng/vụ so với khi chưa tham gia hợp tác xã.
Ngoài ra, thành viên hợp tác xã còn được chia lợi nhuận 12,5%/năm theo mức góp vốn. Hiện hợp tác xã giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương 200.000 đồng/ngày và 10 lao động thời vụ, với thu nhập từ 300.000- 400.000 đồng/ngày.
Bà con Khmer thu hoạch bí rợ ở ấp Huyền Đức, xã Long sơn (Cầu Ngang, Trà Vinh). Ảnh: Phúc Thanh
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch cho biết, riêng lúa thương phẩm, mỗi năm, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường gần 1.200 tấn. Vụ Hè Thu năm nay, hợp tác xã trồng thử nghiệm 20 ha lúa hữu cơ, sắp đến thời điểm thu hoạch. Mô hình thành công sẽ mở hướng đi mới cho hợp tác xã, bởi sản xuất hữu cơ là xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, hợp tác xã đang hoàn thiện thủ tục cấp mã số vùng trồng cho cây lúa để hướng đến liên kết xuất khẩu.
Cùng với việc tiếp tục vận động nông dân tham gia hợp tác xã để mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, Hợp tác xã cũng đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã khác nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị nông sản; phối hợp với Công ty Giống cây trồng miền Nam nghiên cứu các cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để đạt năng suất cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang khẳng định, thời gian qua, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới địa phương. Toàn huyện hiện có 26 hợp tác xã, trong đó, 25 hợp tác xã nông nghiệp và 1 hợp tác xã giao thông vận tải; trong số này, nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động đúng bản chất, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, làm tốt việc tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị giúp nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 64,26 triệu đồng/người/năm, tăng 51,55 triệu đồng/người/năm so với cuối năm 2010. Mới đây, Cầu Ngang vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Thanh Hòa