Ngành chức năng tỉnh Trà Vinh đang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ thành lập mới thêm 8 hợp tác xã; hỗ trợ đăng ký cho 144 sản phẩm OCOP; trong đó, 121 sản phẩm đăng ký mới và 23 sản phẩm nâng hạng sao.
Để các hoạt động này đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh đã thành lập Tổ Tư vấn, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, các sản phẩm OCOP; xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa và hoạt động thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện làm Tổ trưởng. Cấp huyện cũng thành lập tổ tư vấn, tổ giúp việc hỗ trợ chương trình này.
Cùng với hoạt động hỗ trợ thủ tục thành lập mới hợp tác xã và hướng dẫn quy trình đăng ký mới các sản phẩm OCOP, ngành chức năng và các địa phương tăng cường tuyên truyền đến các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác những chính sách hưởng lợi từ việc thành lập hợp tác xã, lao động làm việc, các hỗ trợ máy móc thiết bị, nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Tỉnh phấn đấu trong năm nay có tối thiểu 70% sản phẩm chủ lực hoặc đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ, đăng ký bảo hộ quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận Trà Vinh cho sản phẩm cua biển, bưởi da xanh, thanh long của tỉnh; tôm hữu cơ, lúa hữu cơ của huyện Châu Thành.
Đồng thời, bảo hộ hai giống lúa mới thích ứng với hạn mặn và giống lúa đen giàu dưỡng chất là gạo lức mang thương hiệu Trà Vinh; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Đậu phộng Trà Vinh”, đăng ký bảo hộ 3 nhãn hiệu tập thể và 35 nhãn hiệu thông thường (nhãn hiệu độc quyền) cho các sản phẩm từ phong trào Phụ nữ khởi nghiệp và sản phẩm OCOP; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận chim yến Trà Vinh, xoài cát chu Cầu Kè, Lác Càng Long và dưa hấu Trường Long Hòa.
Trà Vinh cũng hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện các hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, tuyên truyền, cập nhật phổ biến các quy định pháp luật, văn bản tài liệu hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế về truy xuất nguồn gốc cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến”, sàn thương mại điện tử của tỉnh và liên kết với các sàn thương mại tỉnh thành trong nước...
Tỉnh Trà Vinh hiện có 1 liên hiệp hợp tác xã, 175 hợp tác xã đang hoạt động, vốn điều lệ 174 tỷ đồng, với gần 30.000 thành viên. Tỉnh có 80 sản phẩm OCOP của 49 chủ thể, gồm 8 hợp tác xã, 9 công ty, 2 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh; trong đó, có 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 9 sản phẩm đạt 4 sao, 66 sản phẩm 3 sao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, hầu hết các hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế về quy mô, cơ sở vật chất, vốn sản xuất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ... nên việc việc tổ chức phương án sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn.
Về các sản phẩm OCOP thì số lượng vẫn còn ít so với tiềm năng của tỉnh; nhiều địa phương có sản phẩm chất lượng nhưng chưa đăng ký sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá… chưa được các đơn vị chủ thể chú trọng.
Vì vậy, hầu hết sản phẩm OCOP của tỉnh chưa nâng cao được giá trị và thị trường tiêu thụ chưa mở rộng như mong đợi.
Thanh Hòa