Tăng lợi nhuận nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Tăng lợi nhuận nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ cao, ngành nuôi trồng thủy sản đã từng bước gia tăng sản lượng và giá trị sản xuất, giúp nông dân đạt được lợi nhuận tốt hơn.

Tăng lợi nhuận nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản ở Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Chợ Bến, xã An Ngãi (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ông Phan Đức Đạt, ngụ ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ là một trong những hộ dân đầu tiên nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Đất Đỏ. Hiện gia đình ông Đạt nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao theo mô hình CPF Combine trên tổng diện tích 21 ha; trong đó, diện tích ao nuôi tôm là 3 ha với 21 ao nuôi, còn lại 18 ha với 20 ao là hệ thống ao lắng, ao sẵn sàng, xử lý nước. Với quy trình khép kín từ nuôi tôm giống, đến tôm trưởng thành cung cấp ra thị trường, con tôm được kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện và xử lý khi có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Để xử lý tốt nguồn nước và bảo đảm vệ sinh môi trường ao nuôi, gia đình ông Đạt đã đầu tư máy sục oxy, quạt gió, hệ thống máy móc hiện đại đo nồng độ pH trong ao nuôi… Nước trong ao nuôi được thay liên tục mỗi ngày sau khi đã qua hệ thống ao lắng. Quá trình thay nước liên tục sẽ kích thích tôm lột xác, mau lớn và làm sạch môi trường sống cho tôm. Bên cạnh đó, ông Đạt còn thường xuyên tăng cường vitamin, vi sinh trong thức ăn cho tôm để phòng ngừa dịch bệnh.

Ông Phan Đức Đạt chia sẻ, trước đây gia đình nuôi tôm trong môi trường tự nhiên 10.000m2 chỉ thu được 7 tấn, sản lượng cao nhất đạt 10 tấn, nhưng giờ đây 1 ao nuôi 1.000m2 có thể thu từ 4-5 tấn.

Cụ thể, năm 2023, tổng sản lượng 3 vụ nuôi trong năm gia đình thu hoạch được khoảng 360 tấn, với năng suất khoảng 40 tấn/ha/vụ/năm, gấp 3,3 lần so với cách nuôi truyền thống. Với giá bán trung bình khoảng 160.000 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt 57,6 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Đạt thu lãi 14,4 tỷ đồng.

“Ứng dụng công nghệ cao, tôi có thể nuôi tôm với mật độ dày hơn, đồng thời tốn rất ít nhân công. Một nhân công có thể chăm sóc được 2 ao, nhờ đó đã giảm chi phí đầu vào”, ông Đức chia sẻ thêm.

Tăng lợi nhuận nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản ở Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 2Thu hoạch tôm nuôi trong ao ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Chợ Bến (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Hợp tác xã Chợ Bến, xã An Ngãi, huyện Long Điền thành lập và đi vào hoạt động đầu tháng 12/2021. Ban giám đốc hợp tác xã đã xác định đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hợp tác xã Chợ Bến có 11 thành viên, ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh là nuôi tôm công nghệ cao. Hiện Hợp tác xã Chợ Bến đang canh tác 3 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó có 8 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 1000m2/ao; 1 ao ương tôm; diện tích còn lại dùng làm ao lắng để bơm nước ra vào mỗi ngày. Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, Hợp tác xã Chợ Bến nuôi được 3 vụ tôm; trung bình mỗi ao nuôi thu hoạch từ 2 - 2,5 tấn tôm.

Theo ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc Hợp tác xã Chợ Bến, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, hợp tác xã đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với mô hình nuôi tôm an toàn sinh học “CP.Biotic Farming”. Mô hình này kiểm soát tốt môi trường nước, ngăn ngừa bệnh gây hại cho tôm và thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư sản xuất, hợp tác xã đạt lợi nhuận của vụ tôm đầu tiên 30% trên tổng doanh thu.

Việc phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại thu nhập cao cho các thành viên của Hợp tác xã Chợ Bến, cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 23 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng hơn 429 ha (tăng 17,15ha so với năm trước); trong đó, có 21 cơ sở, doanh nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với diện tích 417,31 ha. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao nổi, hồ tròn lót bạt có mái che, nuôi trong nhà màng, nhà kín với mật độ nuôi 250 - 500 con/m2, sản lượng đạt từ 30-50 tấn/ha/vụ. Môi trường nước ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường tốt. Do đó, các cơ sở nuôi tôm từ 3-4 vụ/năm.

Ngoài ra, còn có 2 công ty sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại xã Lộc An và thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ với tổng diện tích 12 ha. Công ty nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ từ Thái Lan để cho sinh sản nhân tạo; đầu tư các hệ thống xử lý nước cấp, nước thải hiện đại, nước được xử lý và tái sử dụng tuần hoàn khép kín không xả thải ra ngoài môi trường; quy trình sản xuất tại công ty được chứng nhận theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình đã đạt được hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao.

Năm 2023, mặc dù tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu là 6.310 ha, giảm 208 ha so với năm 2022 nhưng tổng sản lượng lại đạt 22.022 tấn, tăng 7,5% so với 2022. Giá trị sản xuất ước đạt hơn 2.382 tỷ đồng, tăng 6,6%.

Diện tích nuôi trồng thủy sản giảm mạnh tập trung ở hình thức nuôi quảng canh năng suất thấp, trong khi đó, diện tích nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao có năng suất cao lại liên tục tăng.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm