Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển, sớm đưa tỉnh trở thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đã quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) với diện tích 168 ha. Đồng thời quyết định công nhận vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dụng công nghệ cao tại Sơn Hải, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) giai đoạn 2021-2030, với diện tích 37,7 ha.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh cũng xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu là "Xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước".
Hơn nữa, theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch dải ven biển phía Nam của tỉnh được duyệt cũng đã xác định vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải.
Theo đó, việc lập quy hoạch phân khu xây dựng vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết, là cơ sở để triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết, thu hút các dự án đầu tư và kêu gọi thực hiện dự án theo quy hoạch được phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Như Nguyên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận, đồ án quy hoạch phân khu xây dựng vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải giai đoạn 2021 - 2030 cơ bản đáp ứng yêu cầu về quy hoạch phân khu xây dựng và các văn bản pháp lý hiện hành, đủ cơ sở pháp lý để triển khai đồ án quy hoạch xây dựng.
Dựa trên đánh giá thực trạng điều kiện tự nhiên (đất, nước, cao trình... thực trạng và điều kiện phát triển) và thế mạnh của tỉnh đối với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là tôm giống đạt tiêu chuẩn OIE (Tổ chức Thú y thế giới) tỉnh Ninh Thuận tạo lập được hai vùng sản xuất trên với các phân khu chức năng chính và hệ thống cấp, thoát nước tập trung, giao thông liên vùng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền chia sẻ, Đề án Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021-2030 nêu rõ: Mục tiêu phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước theo hướng đầu tư đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thuỷ sản công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vi sinh, công nghệ di truyền chọn giống, công nghệ xử lý nước, công nghệ thông tin, công nghệ số… để nâng cao chất lượng tôm giống, đưa tôm giống Ninh Thuận trở thành ngành sản xuất hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ cao; xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc sản xuất và tiêu thụ con giống, đảm bảo giữ vững uy tín thương hiệu và năng lực cạnh tranh của sản phẩm "Tôm giống Ninh Thuận".
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra giải pháp đó là tập trung huy động nguồn lực, vận động kết hợp kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính và khoa học công nghệ để ưu tiên thực hiện dự án theo hướng đầu tư xây dựng hoàn thiện và đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, tỉnh sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương như: Cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi về cấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường…; tạo môi trường đầu tư thông thoáng và ổn định để các doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất.
Tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất như: Công nghệ gen; công nghệ sinh học; công nghệ tuần hoàn nước… ở tất cả các khâu trong toàn bộ quy trình sản xuất giống thủy sản, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn hiện hành về nước nuôi thuỷ sản và nước thải tập trung.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm giống Ninh Thuận tại các địa phương nuôi tôm trong cả nước. Đồng thời hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trong các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, giả nhãn mác, thương hiệu… gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, với tiềm năng về biển, tỉnh rất có lợi thế cho hoạt động sản xuất kinh doanh giống thủy sản.
Trong đó, tôm giống được xem là đối tượng chủ lực, có ưu thế cạnh tranh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Cụ thể, giá trị sản xuất giai đoạn 2010 - 2020 (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân 13,8 %/năm. Sản lượng tôm giống sản xuất năm 2020 là 42,6 tỷ con, đáp ứng khoảng 35% sản lượng tôm giống của cả nước và được xem là trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất của cả nước. Thương hiệu "Tôm giống Ninh Thuận" được nhiều tỉnh, thành biết đến và đánh giá cao về chất lượng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay hoạt động sản xuất tôm giống của tỉnh Ninh Thuận vẫn còn nhỏ lẻ, tỷ lệ cơ sở sản xuất nhỏ và vừa còn nhiều, chiếm đến 80%. Các cơ sở sản xuất đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại còn ít. Nguồn tôm bố mẹ chất lượng phục vụ sản xuất trong nước chưa sản xuất được, vẫn còn phụ thuộc vào nước ngoài.
Ngoài ra, môi trường nuôi dễ bị ô nhiễm và lây lan dịch bệnh. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hoạt động sản xuất chưa được tổ chức sắp xếp bố trí lại trong điều kiện mới. Việc liên kết giữa các xâu chuỗi còn thiếu chặt chẽ. Cơ chế chính sách chưa được quan tâm đúng mức thể thu hút đầu tư.... Vì thế, để hoạt động sản xuất tôm giống nói riêng và giống thủy sản nói chung phát triển một cách bền vững, tỉnh Ninh Thuận cần có giải pháp thiết thực để giải quyết những khó khăn trên; qua đó góp phần phát triển, sớm đưa tỉnh trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.
Công Thử