Nắng nóng gay gắt kéo dài gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản ở Kiên Giang

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài làm cho nhiệt độ tăng cao và độ mặn trong kênh, rạch tăng vượt ngưỡng khiến nhiều diện tích tôm, cua nuôi của người dân một số huyện tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại, ảnh hưởng; trong đó, huyện An Biên có diện tích tôm, cua bị thiệt hại nhiều nhất với hơn 500 ha.

 vna_potal_kien_giang_han_man_gay_thiet_hai_hon_600ha_nuoi_tom_cua_7303767.jpg
Nông dân ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A, huyện An Biên, thu hoạch tôm, cua nuôi quảng canh. Ảnh: Văn Sĩ - TT

Gắn bó hơn 20 năm với nghề nuôi tôm, cua quảng canh ở ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, ông Mặc Hoàng Đâu cho biết, mùa khô 2024 này là lần thứ 2 tôm, cua của gia đình bị thiệt hại nhiều nhất. Cụ thể, gia đình ông Đâu thả nuôi vụ tôm, cua đầu năm 2024 trên diện tích 2 ha, với gần 5 triệu đồng tiền con giống. Tôm, cua nuôi được khoảng 1 tháng rưỡi bắt đầu chết và khoảng thời gian tôm, cua chết nhiều trong những ngày giữa tháng 3 vừa qua. Ông Đâu cũng cho hay, nếu như những năm trước, vụ tôm đầu năm đến thời điểm này gia đình thu hoạch được từ 150-200 kg tôm, cua (tương đương khoảng 25-30 triệu đồng) thì vụ này do bị ảnh hưởng nên gia đình mới thu hoạch được khoảng 5 triệu đồng.

“Do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ban ngày khoảng 35, 36 độ C; cùng với đó độ mặn dưới kênh, sông cũng tăng cao đo được 35 – 37‰ nên tôm, cua bị bệnh và chết. Không chỉ riêng gia đình tôi, mà đa số người nuôi tôm, cua trong xóm đều bị thiệt hại, ảnh hưởng. Gia đình đang cải tạo lại vuông tôm, đợi có mưa xuống để giảm độ mặn trong nước và thả lại vụ nuôi mới”, ông Đâu chia sẻ thêm.

Cũng trong tỉnh cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Hồ, ấp Thái Hòa, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang dẫn phóng viên tham quan vuông tôm của gia đình, vừa nhặt xác tôm, cua bị thiệt hại và buồn bã cho biết, nắng nóng kéo dài và độ mặn tăng rất cao làm cho tôm, cua trong vuông bị thiệt hại khá nhiều. Bên cạnh tôm, cua bị chết gây thất thu, số lượng tôm, cua chưa đến lứa thu hoạch (tôm cỡ 70-120 con/kg, cua khoảng 150gram/con) cũng được gia đình bán rẻ để tránh bị chết.

vna_potal_kien_giang_han_man_gay_thiet_hai_hon_600ha_nuoi_tom_cua_7303774.jpg
Độ mặn trong vuông tôm ngày 2/4/2024 tại xã Nam Thái, huyện An Biên, là gần 27 phần nghìn. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Ông Hồ đo độ mặn dưới kênh trước nhà ghi nhận hơn 30‰, còn trong vuông tôm cũng đạt mức 26‰. Theo kinh nghiệm của những người nuôi tôm, đây là độ mặn vượt ngưỡng thích hợp cho tôm, cua phát triển cũng như dễ gây ra dịch bệnh cho các loài nuôi thủy sản này. Bên cạnh đó, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên ở mức 36-38 độ C ban ngày trong khi ban đêm lại xuống thấp, không khí lạnh và gió nhiều cũng ảnh hưởng, thiệt hại đến vật nuôi.

“Với 1,5ha vuông nuôi kết hợp tôm, cua như những năm trước, đến nay gia đình tôi có thể thu hoạch bán được hơn 30 triệu đồng, tuy nhiên ở vụ nuôi này đến nay số lượng tôm, cua bán được chỉ khoảng 7 triệu đồng. Trừ đợt hạn, mặn mùa khô năm 2015-2016, trong gần 10 năm qua, đây là đợt hạn, mặn gay gắt, khốc liệt gây thiệt hại nhiều cho người nuôi tôm ở đây. Tôi mong chính quyền cấp trên và ngành chức năng có giải pháp ngăn mặn hiệu quả hơn, như đầu tư hoàn thiện hệ thống cống ngăn mặn, điều tiết nước cho phù hợp để nông dân sản xuất hiệu quả”, ông Hồ cho biết.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A, huyện An Biên cho biết, trên địa bàn có hàng chục hộ dân nuôi tôm, cua bị thiệt hại, ảnh hưởng. “Tôi nhận được phản ánh của rất nhiều nông dân về tình hình tôm, cua thiệt hại và với tình hình như vậy, người nuôi bị thua lỗ, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Bà con bày tỏ mong muốn ngành chức năng vận hành hiệu quả hệ thống cống đã đầu tư, đồng thời đầu tư thêm một số cống đập để ngăn mặn hiệu quả, đảm bảo cho việc điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất”, ông Nhân cho hay.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, tính đến cuối tháng 3/2024, toàn huyện thả nuôi tôm gần 26.000 ha. Diện tích thả tôm nuôi tập trung nhiều ở các xã Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A… Do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài, độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản của huyện.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 2/4, trên địa bàn huyện có khoảng 500 ha diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại do yếu tố môi trường; có 5,2 ha bị bệnh do đốm trắng, cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu xét nghiệm và cấp cho hộ dân 410 kg Chlorine để xử lý nguồn nước.

Theo ông Trang Minh Tú, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, độ mặn thích hợp cho nuôi tôm, cua dao động từ 10 - 20‰. Khi độ mặn tăng cao trong ao vuông cần có giải pháp về kỹ thuật để tăng cường sức khỏe cho tôm nuôi, cải tạo lại ao giảm bớt độ mặn. Huyện An Biên có 4 xã ven biển bị ảnh hưởng nhiều do xâm nhập mặn, các xã khác tình hình nuôi tôm tạm thời ổn định.

vna_potal_kien_giang_han_man_gay_thiet_hai_hon_600ha_nuoi_tom_cua_7303777.jpg
Nước trong vuông của ông Mạc Hoàng Đâu, xã Nam Thái, huyện An Biên, đỏ đục và độ mặn trên 25 phần nghìn, vượt mức thích hợp nuôi tôm, cua. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Ông Tú cũng cho hay, hiện nay nắng nóng chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn làm ảnh hưởng đến tình hình nuôi tôm cua trên địa bàn. Một số diện tích bị thiệt hại bà con phải thu hoạch sớm hơn làm giảm sản lượng và thu nhập của nông dân. Trước tình hình trên, ngành chuyên môn hỗ trợ bà con về mặt kỹ thuật để hạn chế thiệt hại lớn. Cùng đó là tăng cường kiểm soát lấy mẫu để quan trắc môi trường nước cảnh báo kịp thời cho bà con. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi ngăn mặn cũng được vận hành hết công suất.

“Tỉnh đã quan tâm đầu tư được 50% cống ven biển nhưng chưa được hoàn thiện nên đang đề xuất trung ương hỗ trợ đầu tư nhằm kiểm soát mặn tốt hơn”, ông Tú cho biết thêm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, trong tháng 3/2024, thời tiết diễn biến phức tạp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày/đêm cao cùng với nước mặn xâm nhập vào kênh mương một số khu vực đã gây thiệt hại hơn 642 ha nuôi tôm, cua của nông dân. Số diện tích thiệt hại, ảnh hưởng tập trung chủ yếu ở các huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận.

"Nắm được dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt, ngay từ trước khi mùa khô 2023-2024 bắt đầu, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp ứng phó, phòng chống như: Điều chỉnh lịch thời vụ gieo trồng, thả giống thủy sản để tránh ảnh hưởng, thiệt hại; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong dự báo tình hình để vận hành hệ thống cống điều tiết nguồn nước cho các khu vực sản xuất vùng ngọt và vùng nước lợ.

Tuy nhiên, một số địa bàn bị ảnh hưởng, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát tình hình, kịp thời hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc để hạn chế thiệt hại. Cùng đó là vận hành đồng bộ hệ thống cống ngăn mặn đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm