Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum

Đối với đa phần người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum, việc sản xuất nông nghiệp chủ yếu sử dụng phương thức canh tác lạc hậu, chưa biết liên kết cùng nhau để tạo ra sản phẩm cho giá trị lợi nhuận cao. Trước thực trạng này, tỉnh Kon Tum tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ đó, nhiều mô hình, cách làm hay được thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng giảm dần.

vna_potal_thay_doi_tu_duy_san_xuat_nong_nghiep_cua_nguoi_dan_toc_thieu_so_7314249.jpg
Mô hình Tổ hợp tác trồng dứa xen canh cây mắc ca tại làng Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) được nhiều hộ dân tộc thiểu số triển khai có hiệu quả. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) có đa phần người Xơ Đăng sinh sống, phụ thuộc vào diện tích trồng mì (sắn) kém hiệu quả nên đời sống còn nhiều khó khăn. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ mì sang trồng các loại cây mang lại kinh tế cao hơn; đồng thời, bố trí kinh phí hơn 5 tỷ đồng triển khai xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dứa, mắc ca, dược liệu và cây ăn quả trồng phân tán, với tổng diện tích khoảng 300 ha.

Trước đây gia đình chị Y Chim (làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm) trồng mì nhưng không phát triển, cho năng suất kém. Được xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị mạnh dạn đầu tư trồng 2 ha dứa xen canh cây mắc ca. Kết quả ban đầu cho thấy, riêng diện tích dứa đã cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với mì.

Được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình chị Y Lan (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm) mạnh dạn phá bỏ một phần diện tích trồng mì để chuyển sang trồng gừng. Với giá gừng hiện tại, gia đình chị Y Lan có thu nhập gần gấp 2 lần so với trồng mì. Thời gian tới, chị dự định chuyển đổi toàn bộ diện tích mì còn lại để trồng gừng với hy vọng mang lại thu nhập cao và bền vững hơn.

vna_potal_thay_doi_tu_duy_san_xuat_nong_nghiep_cua_nguoi_dan_toc_thieu_so_7314245.jpg
Chị Y Lan (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích chuyển sang trồng gừng, cho thu nhập cao gần gấp 2 lần so với trồng mì (sắn). Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền địa phương còn tích cực vận động hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia vào các Tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để mang lại năng suất cây trồng và lợi nhuận cao hơn.

Anh A Char (làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm) chia sẻ, lợi ích của bà con khi tham gia vào các Tổ hợp tác là được học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật trồng của các thành viên như cách chăm sóc, tưới, tỉa cành khiến cây trồng cho năng suất cao hơn. Cùng đó, việc liên kết với các doanh nghiệp đã giúp sản phẩm nông nghiệp được bán ra mang lại lợi nhuận cao hơn so với buôn bán nhỏ lẻ.

vna_potal_thay_doi_tu_duy_san_xuat_nong_nghiep_cua_nguoi_dan_toc_thieu_so_7314241.jpg
Chị Y Lan (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích chuyển sang trồng gừng, cho thu nhập cao gần gấp 2 lần so với trồng mì (sắn). Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Anh A Ngực (Tổ trưởng Tổ hợp tác liên kết trồng và tiêu thụ dứa, mắc ca làng Đăk Rô Gia) cho biết, thông qua Tổ hợp tác, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa trong khâu làm đất và đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm; giống cây trồng được đưa vào sản xuất là những giống mới có năng suất cao.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo tại huyện Đăk Tô đã tiếp cận được những tư duy đổi mới, không còn trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước. Thay vào đó, người dân biết thay đổi trong nhận thức, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính khả năng của mình.

vna_potal_thay_doi_tu_duy_san_xuat_nong_nghiep_cua_nguoi_dan_toc_thieu_so_7314224.jpg
Mô hình Tổ hợp tác trồng dứa xen canh cây mắc ca tại làng Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) được nhiều hộ dân tộc thiểu số triển khai có hiệu quả. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Theo ông Tưởng Văn Khanh (Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô), các xã, thị trấn tại huyện đã thực hiện có hiệu quả các mô hình liên kết, phát triển sản xuất, từng bước thay đổi nhận thức cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số. Người dân đã biết thay đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, huyện Đăk Tô tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành đánh giá và có định hướng để tiếp tục nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm