Kon Tum là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, phong tục canh tác lạc hậu, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững". Qua đó, nhiều hộ dân đã thay đổi phương thức trồng trọt, chăn nuôi, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Thực hiện Cuộc vận động, huyện Đăk Tô đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ trồng mì sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, tại xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô), nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích trồng mì kém hiệu quả, đất bạc màu sang trồng sâm dây, gừng và dứa xen canh cây mắc ca. Chính quyền xã đã vận động các doanh nghiệp dược liệu trên địa bàn hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Trăm Trương Đình Tuệ cho biết, thông qua Cuộc vận động, người dân trên địa bàn, nhất là những người trẻ đã có những thay đổi trong tư duy sản xuất, chăn nuôi. Các hộ đã trồng được ba ha sâm dây, hai ha cây sơn tra, ba ha cây quế và một ha gừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây mì.
Hưởng ứng Cuộc vận động, xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) đã tuyên truyền, vận động người dân triển khai mô hình nuôi bò, dê có chuồng trại bước đầu mang lại hiệu quả. Số lượng dê, bò được nuôi tập trung đã phát triển tốt về cân nặng, ít bị bệnh hơn trước. Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đã phát triển được 6.539 con.
Vụ mùa năm 2021, chính quyền xã Đăk Na chọn 10 hộ dân để trồng thử nghiệm giống lúa mới ST25 theo phương pháp không dùng phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả cho thấy, lúa ST25 mang lại năng suất tương đương với giống lúa cũ nhưng giá bán ra cao gấp đôi; thời gian cây lúa sinh trưởng và thu hoạch được rút ngắn chỉ khoảng 120 ngày. Đến nay, toàn xã đã phát triển được hơn 12 ha lúa ST25 với 60 hộ tham gia. Cùng đó, chính quyền địa phương đã vận động người dân trồng cây ăn quả tại vườn nhà, xung quanh rẫy để lấy ngắn nuôi dài, hỗ trợ các mô hình kinh tế phát triển bền vững. Hiện diện tích cây ăn quả người dân trồng được khoảng 9,8 ha.
Anh A Nhất (thôn Mô Bành 2, xã Đăk Na) chia sẻ, ngoài các loại cây trồng chủ lực, người dân không biết cách trồng xen canh cây ăn quả trong vườn, rẫy để lấy ngắn nuôi dài. Từ khi được xã tuyên truyền, vận động, nhiều hộ đã ý thức được việc trồng xen canh mang lại hiệu quả về kinh tế, đảm bảo phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.
Các hội, đoàn thể tại xã Đăk Na cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về cách thức phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như: Mô hình trồng sâm Ngọc Linh của Đoàn thanh niên xã triển khai cho 5 nhóm làng; Hội Nông dân xã thực hiện mô hình hướng dẫn kỹ thuật nuôi mật ong và thành lập Tổ hợp tác bảo tồn nuôi ong rừng với 20 thành viên tham gia tại làng Mô Bành 1, Hà Lăng, Kon Chai. Chủ tịch UBND xã Đăk Na Bùi Văn Viên cho biết, qua Cuộc vận động, nhiều hộ đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nhận thức của các hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đã được nâng cao, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Toàn huyện Tu Mơ Rông hiện đã triển khai được 40 mô hình gắn với Cuộc vận động. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thế mạnh của địa phương (như nông nghiệp, dược liệu) được thành lập trong năm bước đầu phát huy hiệu quả; trong đó, 8 hợp tác xã bước đầu có doanh thu, 3 hợp tác xã có kê khai thuế. Nhờ vậy, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt trên 8,14%...
Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông Nguyễn Thị Liên cho biết, thực hiện Cuộc vận động, nhiều hộ dân đã thay đổi phương thức lao động sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật, biết chọn cây giống, con giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất, canh tác chăn nuôi giúp tăng trưởng kinh tế gia đình. Nhiều hộ dân sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã hội, nguồn vốn vay ngân hàng để tái đầu tư sản xuất. Nhờ đó, một bộ phận người dân đã không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước.
Toàn tỉnh Kon Tum hiện có trên 9.300 hộ dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; gần 8.700 hộ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao; hơn 5.300 hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo cũ. Điều này cho thấy, Cuộc vận động là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, hướng đến xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Khoa Chương