Phú Lương tích cực triển khai dự án sinh kế, giúp người dân miền núi thoát nghèo

Huyện miền núi Phú Lương là huyện tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.

vna_potal_thai_nguyen_phu_luong_trien_khai_nhieu_du_an_giam_ngheo_ben_vung_7330091.jpg
Ông Hoàng Văn Chung, xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương chăm sóc trâu giống sinh sản vừa được hỗ trợ. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Thực hiện ba Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã lồng ghép nguồn vốn hiệu quả, huy động thêm sức dân, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải nguồn vốn, đặc biệt ưu tiên xây dựng, triển khai các dự án sinh kế, phát triển sản xuất, thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên...

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phú Lương đã thực hiện 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổng kinh phí thực hiện gần 3 tỷ đồng. Qua triển khai thực tế, các dự án đã mang lại hiệu quả lớn và bền vững cho các chủ thể tham gia, gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề nông nghiệp, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn và giảm rủi ro cho người dân và doanh nghiệp. Các sản phẩm đầu ra sau khi thực hiện dự án được duy trì phát triển với 4 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, giúp các hợp tác xã đẩy mạnh liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị, liên kết theo chuỗi từng bước được hình thành và phát triển theo chiều sâu...

vna_potal_huyen_phu_luong_trien_khai_nhieu_du_an_giam_ngheo_ben_vung_7330082 (1).jpg
Xã viên Hợp tác xã chè Phong Sinh, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương sản xuất, chế biến chè đặc sản, giúp tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phú Lương đang tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh để thực hiện Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 2 năm qua, huyện đã phân bổ hơn 4,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn huyện đã thực hiện 10 mô hình chăn nuôi tại 8 xã; hơn 100 hộ nghèo, 52 hộ cận nghèo, 16 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng được hỗ trợ thụ hưởng Dự án; 7 mô hình giảm nghèo bền vững tại 5 xã miền núi, nổi bật là mô hình nuôi bò lai Sind tại các xã Yên Trạch, Động Đạt, nuôi trâu sinh sản tại các xã Phủ Lý, Ôn Lương, nuôi dê lai sinh sản tại xã Yên Đổ... Qua giám sát bước đầu, sau từ 1 đến 7 tháng bàn giao con giống, cơ bản các hộ dân đã biết cách chăm sóc con giống, vật nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Giống trâu, bò trung bình tăng từ 10 đến 17kg/con/tháng, nhiều con đã có thể nhân giống. Điển hình như mô hình ở các xã Yên Trạch, Yên Lạc, đã có 12/67 con bò thụ thai được từ 2 đến 3 tháng. Còn với mô hình hỗ trợ giống dê cho 16 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Yên Đổ, phần lớn các hộ đã biết chăm sóc đàn dê phát triển khỏe mạnh, 5 hộ đã có dê sinh sản, nhân đàn..

vna_potal_thai_nguyen_phu_luong_trien_khai_nhieu_du_an_giam_ngheo_ben_vung_7330103.jpg
Hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà dột nát tại xã Ôn Lương, huyện Phú Lương. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Lương cho biết, việc thực hiện các chính sách thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Phú Lương giúp phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tác động rất lớn đến diện mạo nông thôn, đặc biệt là với kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Nhờ đó, đời sống của người dân trên địa bàn được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng; hộ nghèo giảm dần qua các năm từ 5,39% (năm 2021), năm 2024 giảm xuống còn 2,68%, bình quân mỗi năm giảm được 1,36% hộ nghèo. Các dự án sinh kế, phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo ra những chuyển biến căn bản để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo đa chiều tại địa phương...

Đối với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong nội dung hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, Phú Lương đã kiến nghị với tỉnh và các ban, ngành chức năng điều chỉnh đối tượng tham gia thụ hưởng trực tiếp, hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, chỉ rõ việc phải đấu thầu hoặc chỉ thầu trong mua sắm giống, vật tư... Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh tỷ lệ quay vòng vốn phù hợp với nhóm đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, quy định về định mức hỗ trợ từng hộ theo nhóm đối tượng, theo loại hình hỗ trợ trong thực hiện dự án sinh kế, để đảm bảo tính đồng bộ giữa các địa phương, hướng dẫn quy trình và các biện pháp xử lý rủi ro trong thực hiện dự án...

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm