Với gần 22.000 ha vườn sầu riêng đặc sản giá trị kinh tế cao tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây, tỉnh Tiền Giang đặc biệt chú trọng thích ứng hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ và phát triển vùng chuyên canh này. Theo đó, tỉnh quan tâm đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong nông dân.
Sầu riêng là cây trồng mẫn cảm với độ mặn trong nước. Nếu như đối với một số cây trồng khác không được tưới nước khi nồng độ mặn trên 1‰, riêng với sầu riêng độ mặn phải dưới 0,5‰ mới dùng để tưới được cho cây.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, để ứng phó hạn mặn trong mùa khô 2023 – 2024 dự báo diễn biến phức tạp, khó lường, từ nguồn ngân sách địa phương, Tiền Giang đầu tư 580,4 tỷ đồng làm 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864: Rạch Gầm, Phú Phong, Mù U, Cây Còng, Hai Tân, Cái Sơn. Về phía Trung ương hỗ trợ đầu tư 582 tỷ đồng làm cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng đã đầu tư 20,5 tỷ đồng nạo vét 144 tuyến kênh trữ ngọt trong nội đồng.
Các công trình thủy lợi kể trên đã phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô 2023 – 2024, góp phần bảo đảm sản xuất, bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản mà đặc biệt là vùng chuyên canh sầu riêng giá trị kinh tế cao của tỉnh Tiền Giang.
Đầu mùa khô 2023 - 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn phối hợp cùng Viện Cây ăn quả Miền Nam và các ngành hữu quan tổ chức Hội thảo “Giải pháp ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn cho vùng cây ăn trái mùa khô 2023 – 2024” thu hút đông đảo nông dân vùng chuyên canh.
Qua hội thảo nhằm nâng cao trình độ canh tác bà con, khuyến cáo nông dân áp dụng những biện pháp chăm sóc cây trồng phù hợp trong mùa khô hạn như: tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoặc trung vi lượng tăng khả năng chống chịu của cây trồng; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao thâm canh cây trồng, dùng rơm rạ tủ gốc cây giữ ẩm cũng như chủ động trữ nước ngọt trong ao mương vườn, tiết kiệm nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước, phòng, tránh ô nhiễm….
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, ước tính trên 96% diện tích vườn sầu riêng trong tỉnh áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước, tưới phun mưa. 100% hộ dân đều quan tâm làm vệ sinh vườn cây, nạo vét ao mương trữ ngọt kết hợp cùng các biện pháp ứng phó hạn mặn phù hợp khác trong mùa khô 2023 - 2024.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay được nông dân áp dụng rộng rãi. Điển hình như mô hình tưới nhỏ giọt của ông Ngô Tấn Trung ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, với 2 ha sầu riêng đang trong giai đoạn khai thác trái.
Trong mùa khô 2023 – 2024, ông Ngô Tấn Trung quan tâm nạo vét ao mương vườn trữ ngọt chống hạn, sử dụng rơm rạ và cỏ rác tủ gốc sầu riêng giữ ẩm; đồng thời, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước giúp chống hạn hiệu quả cho cây trồng, giảm nhẹ nguy cơ thiệt hại do thiên tai.
Tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, nơi có trên 1.100 ha sầu riêng chuyên canh, nông dân địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp được hướng dẫn như: trồng theo tiêu chí VietGAP; ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình chăm sóc trước, trong hạn mặn và chăm sóc phục hồi sau hạn mặn; lắp đặt các hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp giữ cỏ trong gốc ngăn chận nước bốc hơi, dùng rơm rạ tủ gốc sầu riêng giữ ẩm và sử dụng phổ biến phân hữu cơ nâng độ phì nhiêu cho đất canh tác,…
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tiên Lê Văn Châu cho biết, địa phương cũng đã thành lập Tổ trồng sầu riêng VietGAP tại ấp Mỹ Thuận quy tụ trên 20 thành viên với gần 30 ha sầu riêng chuyên canh.
Nông dân Đỗ Dũng, Tổ trưởng Tổ trồng sầu riêng VietGAP ấp Mỹ Thuận, xã Long Tiên cho biết, việc áp dụng tiêu chí VietGAP trong canh tác sầu riêng, sử dụng phổ biến phân bón và vật tư nông nghiệp nguồn gốc hữu cơ, vi sinh đã giúp tăng khả năng chống chịu hạn hán và thiếu nước cho cây sầu riêng. Cùng với đó, lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước thiết thực góp phần đảm bảo điều kiện sinh trưởng, không để cây trồng bị suy kiệt khi khô hạn kéo dài.
Chia sẻ cách ứng phó hữu hiệu trước thiên tai hạn mặn trong mùa khô 2023 – 2024, ông Huỳnh Văn Sẵn, canh tác 7.000 m2 sầu riêng giống Ri6 và Monthong chất lượng cao tại xã Long Tiên cho biết, nhờ tiếp thu kiến thức từ các buổi tập huấn, hội thảo chăm sóc vườn cây đầu mùa khô do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển giao, ứng dụng vào thực tế sản xuất, ông đã bảo vệ tốt vườn cây của mình.
Theo ông Sẵn, trong mùa khô hạn khốc liệt như năm 2024, nông dân cần chú trọng giữ ẩm cho vườn quả bằng cách để cỏ trong vườn, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ, sử dụng các chế phẩm sinh học dưỡng rễ, bón lân và các phân bón nguồn gốc hữu cơ, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cũng như bù đắp đủ dinh dưỡng cho cây. Đặc biệt, vào đầu mùa khô phải chú ý nạo vét kênh mương, nhất là các ao mương trong vườn trữ nước ngọt tưới tiêu.
Cao điểm mùa khô hạn vào tháng 4/2024 cũng là lúc vườn ông thu hoạch vụ nghịch với sản lượng 3 tấn quả. Thương lái thu mua giá 100.000 đồng/kg bình quân. Ông thu được 300 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng khoảng 150 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tiên Lê Văn Châu cho biết, hiện 100% hộ dân vùng chuyên canh sầu riêng trong xã đều áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước cũng như các giải pháp ứng phó hạn mặn, chăm sóc vườn cây phù hợp nên không bị thiệt hại do thiên tai. Nhiều vườn còn cho thu hoạch đạt sản lượng khá, bán có giá cao, nông dân rất phấn khởi.
Theo đánh giá, nhờ áp dụng đổng bộ, hiêu quả giải pháp công trình và phi công trình, cụ thể hóa mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai nên dù hạn mặn đang diễn biến khó lường, chưa có dấu hiệu dừng lại nhưng không gây nhiều thiệt hại cho các vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh Tiền Giang; trong đó, có sầu riêng.
Tại vùng chuyên canh sầu riêng, tình hình sản xuất và đời sống nhân dân ổn định. Nhiều hộ dân bội thu nhờ có thu hoạch bán được giá cao. Bà con an tâm tổ chức sản xuất, thâm canh thích ứng hạn mặn để phát triển bền vững trong mùa khô 2023 – 2024 và các năm tiếp theo.
Minh Trí