Gia tăng giá trị sản phẩm nhờ cơ giới hóa nông nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ máy móc, vật tư, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, đã giúp bà con nông dân, các thành viên hợp tác xã nâng cao giá trị sản phẩm nhờ cơ giới hóa trong nông nghiệp.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_nhieu_chuong_trinh_ho_tro_may_moc_vat_tu_nong_nghiep_7325077.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Lá Xanh, huyện Long Điền, được hỗ trợ hệ thống máy xay sát gạo theo chương trình Nghị quyết 21/HĐND của tỉnh. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.

Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh (huyện Long Điền) vừa được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ hệ thống máy xay xát gồm: máy xay xát gạo liên hoàn, máy sàng gạo, máy đánh bóng gạo, cân điện tử và máy đóng gói may bao, hệ thống gầu múc cùng các phụ kiện lắp đặt, đổ chân đế bê tông và bồ chứa lúa, máy tách màu gạo cho Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh, với kinh phí hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng theo Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh.

Ông Lê Cảnh Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh cho biết, được hỗ trợ máy xay xát hợp tác xã sẽ thực hiện được việc chế biến sâu hơn. Trước đây khi chưa có hệ thống máy xát này, lúa thu hoạch về hợp tác xã chỉ sấy khô rồi bán cho thương lái, còn nay hợp tác xã đã có hệ thống máy xay xát ra gạo nên bán sản phẩm ra thị trường cũng sẽ được giá thành hơn.

“Hệ thống máy này khá tiện lợi vì có thể xay xát gạo tại chỗ thay vì phải chở lúa đi xay xát chỗ khác. Việc thực hiện được các công đoạn từ sau thu hoạch đến thành phẩm thông qua 1 hệ thống liên hoàn, khép kín giúp giảm chi phí rất nhiều. Hiện nay, ngoài thực hiện xay xát lúa theo đơn của thương lái, hợp tác xã còn thực hiện dịch vụ xay xát gạo cho người dân”, ông Lê Cảnh Đạt nói.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_trien_khai_nhieu_chuong_trinh_ho_tro_may_moc_vat_tu_nong_nghiep_7325083.jpg
Một hộ dân làm nghề bánh tráng tại xã An Ngãi, huyện Long Điền được tỉnh hỗ trợ lò tráng bánh bằng điện theo chương trình phát triển ngành nghề nông thôn. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.

Đây là chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với chương trình hỗ trợ này nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết; hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng công trình hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng mô hình liên kết điểm bao gồm: chi phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu cho các hợp tác xã, trang trại nhưng không quá 1 tỷ đồng/1 mô hình.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 21, ngành nông nghiệp cũng thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ trong cơ giới hóa nông nghiệp. Chương trình đã góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Đầu tháng 2/2024 vừa qua, ông Nguyễn Văn Dũng, xã An Nhứt, huyện Long Điền vui mừng khi được hỗ trợ thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật phục vụ canh tác lúa thông minh, trị giá 800 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ thiết bị ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

vna_potal_ba_ria-vung_tau_nhieu_chuong_trinh_ho_tro_may_moc_vat_tu_nong_nghiep_7325080.jpg
Ông Nguyễn Văn Dũng, xã An Nhứt, huyện Long Điền, được tỉnh hỗ trợ thiết bị máy bay không người lái phục vụ cho phun thuốc bảo vệ thực vật theo chương trình cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Nhờ thiết bị này giúp nông dân chúng tôi giảm lượng nước thực tế cần dùng mà vẫn đảm bảo độ trải đều bề mặt và mang lại hiệu quả cao. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa bằng thiết bị không người lái còn giúp tăng năng suất lao động từ 15-30 lần, rút ngắn thời gian phun thuốc trên 1 đơn vị diện tích; giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với phun xịt thông thường, bảo vệ sức khỏe người nông dân khi không phải tiếp xúc trực tiếp (đeo bình phun) với thuốc bảo vệ thực vật”.

Ngoài ra, hiện nay tỉnh cũng đang triển khai chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn. Theo kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giải quyết việc làm cho 13.000 - 13.500 lao động nông thôn; công nhận thêm 4 nghề truyền thống nâng tổng số là 10 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống; hỗ trợ phát triển nghề truyền thống; triển khai các Dự án phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, xử lý môi trường…

Để thực hiện hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu trên, tỉnh triển khai một số giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn như: mặt bằng sản xuất; xúc tiến thương mại; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; tập huấn chuyển giao công nghệ cho các dự án; hỗ trợ lập, thẩm định, tổ chức Lễ công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống xử lý môi trường, cơ sở vật chất ngành nghề nông thôn; khoa học công nghệ; lồng ghép phát triển du lịch nông nghiệp, ngành nghề nông thôn và huy động nguồn vốn, đầu tư tín dụng.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, trong năm 2023, thực hiện Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn đã thực hiện bàn giao các thiết bị, vật tư cho 9 dự án.

Trong khi đó, theo Quyết định 3389/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quyết định số 3488/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt 7 dự án thực hiện mô hình cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, lĩnh vực trồng trọt.

Còn chương trình hỗ trợ ngành nghề nông thôn cũng đã hỗ trợ các mô hình dự án như: Bàn giao máy rửa cá, máy trộn, xay cá cho 3 hộ tại thị trấn Phước Hải; máy ép, nồi hấp bánh hỏi cho 1 hộ dân tại thị trấn Long Điền; máy lọc rượu, vật tư, máy nấu rượu cho 2 hộ tại xã Hòa Long; lò tráng bánh bằng điện, hệ thống mái che, nâng nền, sửa chữa khu vực tráng bánh, sân phơi… cho 10 hộ làm bánh tráng tại xã An Ngãi, huyện Long Điền. Tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, các chính sách hỗ trợ đã giúp ngành nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững. Cụ thể, việc hỗ trợ máy móc nhằm giúp nông dân giảm tổn thất, giảm chi phí vật tư, giảm thời gian, bảo vệ sức khỏe cho người nông dân; đồng thời khi có sự tham gia của máy móc thiết bị trong sản xuất còn giúp tăng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng cho sản phẩm, tạo ra sản phẩm xuất khẩu chất lượng, nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm để đưa sản phẩm ra thị trường, tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn…

Năm 2024, dự kiến ngành tiếp tục tổ chức 7 chuyến khảo sát thực tế, làm việc với các chủ thể, đối tượng tham gia liên kết gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân về thực trạng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và định hướng phát triển trong thời gian tới. Thực hiện thẩm định, hỗ trợ tối thiểu 5 mô hình, dự án, kế hoạch liên kết cấp tỉnh theo kế hoạch năm 2024; đồng thời tiếp tục hỗ trợ 8 mô hình, dự án, kế hoạch liên kết đã thẩm định trong năm 2022, 2023 và có phân kỳ kinh phí trong năm 2024. Ngành tổ chức 2 đợt với 14 chuyến thực hiện kiểm tra, giám sát tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 21 tại các huyện, thị xã, thành phố….

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm